Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giải đáp về quy định phân tích mẫu hàng hóa

author 16:16 28/09/2018

(VietQ.vn) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN không tước bỏ quyền khiếu nại của người bán hàng, theo đó người bán hàng có quyền khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo phản ánh của Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Tùng, Thông tư 12/2017/TT-BKHCN quy định không cho người bán hàng, đơn vị sản xuất hàng hoá được quyền lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm lần 2 khi nghi ngờ quá trình lấy mẫu không đúng quy định, hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu có sai sót dẫn đến kết quả không chính xác, đang gây khó cho doanh nghiệp cũng như dễ làm phát sinh tiêu cực.

Việc lấy mẫu, bảo quản mẫu cũng như quá trình vận chuyển mẫu được cơ quan thanh, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật . (Ảnh minh họa)

Theo Công ty Ngọc Tùng, trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 trong đó có quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Điểm d, Khoản 2, Điều 9 như sau: “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả”.

Tuy nhiên, ngày 28/9/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Theo đó, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN không cho người bán hàng và cả đơn vị sản xuất hàng hóa được quyền lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm lần 2 ngay cả khi có cơ sở nghi ngờ quá trình lấy mẫu sản phẩm không đúng theo quy định Tiêu chuẩn Việt Nam cũng như quá trình bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu có sai sót dẫn đến kết quả phân tích chất lượng không chính xác.

Về vấn đề này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:

Quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN không tước bỏ quyền khiếu nại của người bán hàng. Quyền này đã được quy định tại Khoản 5, Điều 15 và Khoản 1, Điều 64 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, theo đó người bán hàng có quyền khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra (bao gồm kết luận về kết quả thử nghiệm mẫu) và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 65 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN quy định: “… Mỗi mẫu được chia làm hai đơn vị mẫu, một đơn vị mẫu để mang đi thử nghiệm, một đơn vị mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra…”. Với quy định này và các quy định nêu tại Khoản 5, Điều 15 và Khoản 1, Điều 64 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá thì “đơn vị mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra” sẽ được sử dụng để giải quyết khiếu nại của người bán hàng (nếu có) đối với kết luận của đoàn kiểm tra về kết quả thử nghiệm mẫu hoặc khiếu nại của người bán hàng (nếu có) về quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền với lý do kết quả thử nghiệm mẫu không chính xác.

Cơ quan thanh/kiểm tra lấy mẫu để thử nghiệm chất lượng được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường: “Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của pháp luật có liên quan…”. Theo đó, việc lấy mẫu, bảo quản mẫu cũng như quá trình vận chuyển mẫu được cơ quan thanh/kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất nếu có.

Giải đáp thắc mắc về quy định gắn thiết bị in chứng từ xăng dầu(VietQ.vn) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) vừa giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về quy định gắn thiết bị in chứng từ bán hàng cho cột đo xăng dầu.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang