TS. Phan Đức Hiếu: Không có lí do gì để từ chối NVDR

author 06:44 09/05/2019

(VietQ.vn) - “Thế giới đã triển khai sản phẩm Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết – NVDR vào vận hành cách đây gần 100 năm. Còn chúng ta đã đề cập vấn đề này vào năm 2012 nhưng đáng tiếc chỉ dừng ở mức độ thảo luận...”, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM khẳng định.

Trao đổi về vấn đề cần phải đưa Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR vào Luật và giải pháp mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và CIEM đang xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi, mục tiêu xây dựng chính sách phải đa dạng hóa công cụ, giúp công ty huy động vốn, giúp nhà nước cân bằng giữa thuận lợi kinh doanh và an toàn xã hội.

"Chúng ta không thể kỳ vọng sự an toàn 100%, sự rủi ro phải được chia sẻ giữa quy định và các bên liên quan, nhà đầu tư (NĐT) phải ý thức được rủi ro trước khi mua", ông Hiếu nhận định.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. 

Đại diện CIEM chia sẻ, thế giới đã triển khai sản phẩm NVDR vào vận hành cách đây gần 100 năm, Thái Lan triển khai năm 2000, chúng ta thảo luận vấn đề này vào năm 2012 nhưng đáng tiếc chỉ dừng ở mức thảo luận cho đến ngày hôm nay.

"Chúng ta không có lí do gì để từ chối sản phẩm này, nhưng đưa công cụ này vào Việt Nam phải hình dung ra nó như thế nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam...".

Bên cạnh đó, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư công ty quản lý Qũy Dragon Capital nhận định, hiện nay tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 145 tỷ USD thì nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 35 tỷ USD và room còn lại khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế một nửa room còn lại của thị trường đang nằm ở 5 công ty là nhóm cổ phiếu Vingroup (7,2 tỷ USD), VNM (1 tỷ USD), NVL (0,6 tỷ USD), POW (0,5 tỷ USD), 751 công ty đang niêm yết còn lại room nước ngoài 8,5 tỷ USD, như vậy trung bình room nước ngoài tại các công ty này chỉ là 11 triệu USD/công ty và theo ông Tuấn nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ tiền vào Việt Nam cũng khó, không có hàng hóa để đầu tư.

Đại diện DC nhấn mạnh việc mất cân đối trong phân bổ vốn cho nền kinh tế. Các công ty tốt đã hết room thì bị định giá thấp (PE 8,5 lần) trong khi đó, top 20 hiện nay có PE 22,3 lần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí huy động vốn của công ty.

“Các nước trong khu vực đã mở cửa thị trường từ lâu, NVDR của Thái Lan là sản phẩm có các quyền lợi tài chính giống như cổ phiếu thường, tính minh bạch cao, thuận lợi trong giao dịch, nhược điểm tạo ra cho nhà đầu tư nước ngoài có thể kiểm soát được công ty. Tuy nhiên quan sát thị trường NVDR tại Thái Lan, từ năm 2000 tới nay chưa có một tranh chấp nào giữa nhà đầu tư và công ty, NĐT nước ngoài mua vào NVDR bất chấp khi công ty đó vẫn còn room, họ chỉ quan tâm đến việc mua lợi ích tài chính công ty mà không cần bỏ phiếu” – ông Tuấn cho hay.

Theo đó, ông Tuấn đề xuất dùng NVDR của Thái Lan làm cơ sở để hiệu chỉnh cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và tạo ra sản phẩm NVDR Việt Nam, đầu tiên có thể thí điểm ở một vài công ty đã hết room và có quản trị doanh nghiệp tốt, trong đó giai đoạn đầu phát hành 15% NVDR.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Cơ quan quản lý đóng vai trò 'bà đỡ' cho thị trường chứng khoán(VietQ.vn) - Cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam thực sự đã trở thành ‘bà đỡ’ cho thị trường chứng khoán phát triển; thị trường bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển...

Vũ Linh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang