Hà Nội thu giữ lượng lớn thuốc lá điện tử tại cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh

author 10:49 07/05/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn thuốc lá tại cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh.

Sau gần một tháng theo dõi, nắm bắt các biến động và giao nhận, vận chuyển hàng hoá, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 24 và Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa Quyết Đại Phát Express tại số 15 ngõ 69, đường Vạn Xuân, Lai Xá, Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

​Thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh này đang hoạt động bình thường, chủ cơ sở kinh doanh là ông Vũ Văn Quyết, hộ khẩu thường trú tại Bắc Giang.

​Thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở chuyển phát đang có 18 chiếc máy hút thuốc lá điện tử, made in China, 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử trên vỏ hộp có chữ made in USA, 6300 gói loại 40g/gói dạng thuốc lá thành phẩm khác, vỏ bao bì có chữ made in Denmark by (quy đổi 20g=1 bao là: 12.600 bao).

​Theo nhận định của lực lượng chức năng, đây là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng mô hình chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa là thuốc lá điện tử, đặc biệt là hàng cấm (thuốc lá thành phẩm dạng gói khác – thuốc lá lăn tay).

Hà Nội thu giữ lượng lớn thuốc sản phẩm thuốc lá điện tử tại cơ sở chuyển phát nhanh. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

​Căn cứ thực tế kiểm tra và quy định tại Điều 191 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, hoạt động chuyển phát hàng hóa của cơ sở kinh doanh tại địa chỉ nói trên có dấu hiệu của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Ngay sau vụ việc ​Đội QLTT số 1 hoàn thiện hồ sơ để chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự đến Công an huyện Hoài Đức để xử lý theo quy định.

Liên quan tới tình trạng vận chuyển hàng hóa giả mạo, hàng nhập lậu qua đường chuyển phát nhanh, Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa diễn ra rất sôi động do việc mua sắm trực tuyến gia tăng, giúp cho thị trường bưu chính phát triển mạnh mẽ, nhất là bưu chính gắn với thương mại điện tử. Tuy nhiên, đó cũng là nguy cơ để các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, những năm gần đây, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý hàng chục vụ việc vi phạm trên khâu lưu thông hàng hóa. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng như hàng điện tử gia dụng, hàng thời trang, (áo khoác nữ, túi xách, quần áo…) và mỹ phẩm các loại… Bên cạnh đó, lực lượng QLTT trên nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp triệt phá nhiều kho chứa hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Trong đó, các đối tượng tiêu thụ hàng hóa thông qua hình thức bán hàng online và vận chuyển qua đường bưu chính.

Qua công tác đấu tranh, lực lượng QLTT cũng nhận thấy, khi các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì thông tin về địa chỉ của người gửi và người nhận hàng đều ghi địa chỉ giả, thậm chí không có người nhận hàng. Trong khi đó, các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh cho nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm. Bên cạnh đó, với loại hình dịch vụ chuyển phát COD- giao hàng thu tiền hộ, được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng trực tuyến sử dụng rộng rãi, thì người thực hiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu là nhân viên giao hàng khiến cho việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang