Ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành năng lượng cần lộ trình phù hợp

author 11:39 11/07/2020

(VietQ.vn) - Để ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành năng lượng phải có thiết bị thông minh rồi mới kết nối hệ thống thông minh, ứng dụng công nghệ IOT…

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52 và Chính phủ có Nghị quyết 50 về thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị để tiếp cận công nghệ 4.0.

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế- kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, thời gian vừa qua có những thành tựu tốt, đáp ứng nhu cầu trước mắt cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong tiếp cận công nghệ 4.0, Nghị quyết cũng nêu rõ, chúng ta phải chọn cách tiếp cận theo ngành, lĩnh vực là một tất yếu và cần thực hiện.

Theo ông, thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 đối với ngành năng lượng.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế- kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 

“Trong năm 2019, riêng đối với lĩnh vực năng lượng, đã hỗ trợ nghiên cứu một số nhiệm vụ như: Nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành và cảnh báo sớm sự cố của các thiết bị và đường dây điện 110kV trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn; Nghiên cứu xây dựng phần mềm nền tảng để phát triển các ứng dụng cho hệ thống SCADA có sử dụng công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 (điện toán đám may, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,...); Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Cobot (Collaborative Robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác người – máy”, ông Hậu nhấn mạnh.

Để ứng dụng công nghệ 4.0, đại diện Bộ KH&CN cho rằng phải có thiết bị thông minh rồi mới kết nối hệ thống thông minh, ứng dụng công nghệ IOT vào trong điều hành. Hiện nay, đây là khó khăn vì cần đầu tư nguồn lực lớn mà hạ tầng chưa đồng bộ, cần lựa chọn bước đi cho thích hợp.

“Bộ KH&CN đang có bước đi hỗ trợ cho nhà khoa học trong nước, các tổ chức nghiên cứu, thậm chí cả doanh nghiệp tham gia nhóm nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ 4.0 từ nước ngoài vào để thay đổi sản xuất của chúng ta”, ông nói.

Trong hoạt động công nghệ, Bộ KH&CN ủng hộ các nghiên cứu để thay thế, ứng dụng công nghệ mới trong giảm tải, tăng hiệu suất đốt trong các nhà máy nhiệt điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Đại diện Bộ KH&CN cũng cho hay, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ cũng phối hợp với Bộ Công thương sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Song song với việc dán nhãn năng lượng, hiện nay Bộ KH&CN được Chính phủ giao ban hành Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg, trong đó với các tổ máy phát điện hiệu suất thấp trong quyết định có quy định rõ: Với loại hình tổ máy phát hiện theo hiệu suất thô, các loại hình đốt làm than, khí đốt và hỗn hợp… có các quy định về mức hiệu suất năng lượng. Hiệu suất năng lượng nào thấp sẽ không được xây dựng mới.

Hiện nay, Bộ KH&CN và Bộ Công thương được giao triển khai nhiệm vụ này. Nếu làm tốt sẽ hạn chế được công nghệ có hiệu suất thấp. Bên cạnh đó, các thiết bị dân dụng có mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Trang thiết bị nào không trong tiêu chuẩn cho phép sẽ không được sản xuất, nhập khẩu.

Cách đây năm năm bóng đèn sợi đốt được thay dần bằng loại bóng đèn mới, bảo đảm hiệu suất sử dụng, năng lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển công nghệ, Bộ sẽ tập trung cho các hoạt động nghiên cứu để tiến tới làm chủ công nghệ lõi mang tính chất quyết định thay thế công nghệ cũ. Công nghệ cũ bao giờ cũng kèm theo tiêu hao năng lượng cao.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang