Việt Nam sẽ là trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới?

author 16:44 23/04/2014

(VietQ.vn) - Trước đây, nhiều người hoài nghi về dự án Thung lũng Silicon mà Việt Nam đang triển khai. Nhưng sau sự thành công vang dội của Flappy Bird, một tờ báo Mỹ cho cho hay, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.


Trong bối cảnh câu chuyện về Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông và những ồn ào của giới truyền thông vẫn chưa lắng xuống, The Atlantic, một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, đã lùi lại và đưa ra một cái nhìn mang tính toàn cảnh hơn, rằng liệu Việt Nam có thể tạo nên một thung lũng Silicon thứ hai hay không?.

flappybirdGame Flappy Bird nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông

Khi nói đến công nghệ, Thung lũng Silicon từ lâu đã trở thành mô hình thống trị trên toàn thế giới. Nhưng khi tốc độ sáng tạo của người Mỹ có vẻ chậm lại, châu Á lại tăng tốc. Sau Trung Quốc, Nhật Bản và một số "con hổ châu Á" khác, gần đây Việt Nam đã triển khai dự án Thung lũng Silicon đầy tham vọng: một kế hoạch toàn diện nhằm biến đổi từ một trong những nước sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thành một nước có vị thế lớn trong nền kinh tế kĩ thuật số toàn cầu.

Được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ, dự án này đặt mục tiêu lập ra những công ty công nghệ có khả năng cạnh tranh tầm quốc tế và biến một trong những thành phố lớn - Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng - thành một trung tâm công nghệ khổng lồ. 

"Mục tiêu lớn là có những startup công nghệ có thể phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ", Han Linh, điều phối viên của dự án cho biết. "Nhưng nhanh nhất thì cũng mất 7-8 năm nữa". "Cơ chế hoạt động của một công ty mới thành lập (start-up) là xây dựng ý tưởng và kiểm được bội tiền từ ý tưởng đó", bà Csaba Bundik, Giám đốc điều hành Ủy ban Thương mại châu ÂU ECOC tại Việt Nam giải thích.

Flappy Bird, tựa game đang gây xôn xao toàn thế giới và do một lập trình viên độc lập người Hà Nội là Nguyễn Hà Đông viết ra, là minh chứng hùng hồn cho tiềm năng chưa được khai phá của các startup công nghệ Việt Nam cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt. Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ sản phẩm của mình khỏi quầy ứng dụng với lời giải thích rằng chúng quá "gây nghiện". Nhưng những nhà phát triển phần mềm khác lại coi thành công của Đông là một dấu hiệu khích lệ - đồng thời là một bài học quý giá.

Đinh Quân, người sáng lập Digi GPS, một thiết bị chống trộm cho xe máy, cho biết: "Flappy Bird đã khích lệ các nhà phát triển Việt Nam rằng họ có thể làm ra những sản phẩm tốt thậm chí chỉ với một lập trình viên và một thiết kế rất đơn giản. Nó cũng dạy cho các doanh nhân trẻ tuổi rằng họ cần tìm hiểu kĩ về vấn đề bản quyền, thuế và truyền thông khi họ thành công”.

siliconvleySilicon Valley - Trung tâm công nghệ hàng đầu Mỹ và thế giới

Với Việt Nam, nuôi dưỡng một môi trường để những sản phẩm độc lập như Flappy Bird có thể thành công, là hướng đi chiến lược logic để thoát khỏi vị thế gia công offshore cho những công ty nước ngoài như GE (đang sỏ hữu nhà máy sản xuất động cơ turbine gió 61 triệu USD ở Hải Phòng) hay Intel (đã đầu tư 1 tỉ USD cho nhà máy chip tại TP HCM). Chỉ có thúc đẩy cùng lúc sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao mới có thể giúp Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Mà như lời đề dẫn của dự án Thung lũng Silicon thì "đây chính là thời điểm Việt Nam cần gia nhập cuộc đua công nghệ. Những nước nào không thể thay đổi trong một thế giới dẫn dắt bởi công nghệ sẽ rơi vào vòng đói nghèo và tụt hậu tất yếu".

Trong một bài báo gần đây, ông Lê Đình Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Viện Chính sách đối ngoại và Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam cần “vượt qua được cái bẫy thu nhập trung bình” bằng cách thúc đẩy cạnh tranh trong cả sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao.

Tại kỳ họp thứ 6 năm 2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định "khuyến khích khu vực tư nhân, hợp tác cùng với các công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước để lập ra các quỹ đầu tư mạo hiểm mới".

Dự án Thung lũng Silicon đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái cho startup, bao gồm các chương trình hỗ trợ cho doanh nhân phát triển ý tưởng. Dự án muốn xây dựng một cái gì đó giống như Quỹ hỗ trợ kinh doanh Y Combinator của Mỹ, chuyên giúp đỡ các công ty mới thành lập.

Starthub.vn, một trong những website nhận được vốn từ dự án Thung lũng Silicon, miêu tả mình là "trái tim của hệ sinh thái startup Việt Nam". Cơ sở dữ liệu của nó bao gồm hàng trăm startup công nghệ. Nhà sáng lập Đỗ Anh Minh của Starthub.vn dự đoán sẽ có ít nhất 1.000 công ty nội nữa xuất hiện trên Starthub.vn vào giữa năm 2014.

Dan Schupp, một người đã từng làm việc cho Tập đoàn IBM tại Mỹ và Trung Quốc trước khi chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh để lập ra công ty Free Range Technology, cũng cho rằng: “Việt Nam ít nhất cũng mạnh ngang với Mỹ", nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số bất lợi lớn so với Trung Quốc. Ông nói: "Việt Nam là một quốc gia nhỏ muốn vươn ra thế giới, vì vậy người dân nước này nhìn ra thế giới nhiều hơn. Nhưng dòng tiền đầu tư vào đây không thể so được với Trung Quốc”. Hơn nữa, mặc dù thanh niên Việt có thể có cả động lực kinh doanh lẫn kỹ năng công nghệ (học sinh cấp 3 của Việt Nam có điểm toán và khoa học cao hơn học sinh phổ thông Mỹ), nhưng các start-up vẫn khó tuyển được những chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Theo Nguyễn Chiến Công, người sáng lập của mạng Parlayz cho các fan hâm mộ thể thao thì cho rằng: “Hãy nhìn vào lịch sử của Thung lũng Silicon. Họ bắt đầu với sự tài trợ của chính phủ, nhưng họ đã thành công vì thoát ra được điều đó”. Đây chính là vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết trước khi muốn trở thành một "Thung lũng Silicon" thứ hai của thế giới.

Thu Trang (th)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang