141 Công an Hà Nội: "Kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ"

author 12:46 18/03/2013

(VietQ.vn) – Liên tiếp nhận được lời khen của lãnh đạo cấp cao các ban ngành ở Hà Nội cũng như các lãnh đạo Bộ, “thương hiệu 141” Công an Hà Nội đã gây được tiếng vang lớn trong ngành Công an. Cũng như bao “thương hiệu” khác, nếu không được "mài dũa", các chiến sỹ cảnh sát đặc nhiệm trong tổ công tác 141 sẽ trở thành những người thi hành công quyền đáng sợ!

Niềm tự hào của Tướng Nhanh

Hơn 1 năm về trước, 5 tổ công tác 141 Công an Hà Nội (mang phân hiệu Y1-Y5) được mọi người biết đến với hàng loạt vụ truy bắt, triệt phá và thu giữ hàng nghìn “hàng nóng” của "dân anh chị" ở Hà Thành. 
 
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (lúc bấy giờ còn đương nhiệm là Giám đốc Công an Hà Nội, người có công lớn trong việc gây dựng và phát triển thương hiệu 141 trở thành nỗi khiếp đảm của bất cứ tên tội phạm nào ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận dạt về Hà Nội ẩn náu – PV) từng trao “quyền sinh quyền sát” cho các tổ công tác này hoạt động. Và lẽ dĩ nhiên, với tài cầm quân của mình, vị tướng nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Công an này cũng biết cách "chế ngự quân” của mình trong mọi tình huống. 
"Thương hiệu 141" Công an Hà Nội thành công gắn với tên tuổi của Tướng Nhanh.
"Thương hiệu 141" Công an Hà Nội thành công gắn với tên tuổi của Tướng Nhanh. Sau thời gian ông nghỉ hưu cũng là lần đầu tiên xảy ra sự việc người dân tố cáo 141 đánh người ngay giữa phố trước sự chứng kiến của nhiều người
 
Người dân Hà Nội quá quen thuộc với hình ảnh những chiến sỹ cảnh sát trong tổ 141 đứng giăng hàng rào, rượt đuổi truy bắt người tham gia giao thông vi phạm và lẽ dĩ nhiên trong đó có cả những "tay anh chị cộm cán" thậm chí là cả những tên sát thủ chuyên đâm thuê chém mướn có tiền án tiền sự và máu mặt trong giới “xã hội đen”.
 
Và lẽ dĩ nhiên, thành công của "thương hiệu 141" có được đến nay công lớn không thể không nhắc đến đội ngũ báo chí hùng hậu luôn kề vai sát cánh trong những ngày ra quân triển khai thực hiện bất kể ngày đêm. 
 
Ngày ấy, tôi còn nhớ cứ khoảng 3 tháng 1 lần, Tướng Nhanh lại “triệu tập” anh em báo chí đến 87 Trần Hưng Đạo (trụ sở Công an Hà Nội) để thông báo về những chiến tích của các tổ công tác 141. Hình ảnh gươm, dao, đao, mác, súng, kiếm trở thành “thân thiết” đối với các phóng viên theo dõi mảng nội chính trong mỗi lần họp. 
"Có rất nhiều người hỏi tôi khi nào 141 “giải tán”, tôi trả lời chỉ khi nào Hà Nội thật sự bình yên, không còn tội phạm thì lúc ấy không còn cần 141, 142. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên dùng từ “giải tán” mà tùy vào tình hình để chuyển hóa thành những biện pháp khác bảo đảm an ninh trật tự cho Thủ đô" - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Cựu Giám đốc CATP Hà Nội.
 
Trong những lần khen thưởng ở các đợt họp báo, Tướng Nhanh luôn triệu tập lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông và Cảnh sát cơ động là 3 lực lượng chủ chốt của tổ công tác 141 để giải đáp những thắc mắc của báo chí. Và lẽ dĩ nhiên, cứ mỗi lần như thế, Tướng Nhanh lại chiếm được cảm tình của đông đảo anh em làm báo.
 
“Thương hiệu 141” lớn nhanh đến nỗi chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận được hết lời khen ngợi từ lãnh đạo các cấp ở Hà Nội, Bộ Công an đã tuyên dương và đem nhân rộng mô hình áp dụng ở các tỉnh thành khác trong cả nước. 
 
“Thương hiệu 141” qua thời Tướng Nhanh được Đại tá Nguyễn Đức Chung “nhân bản” thêm 10 tổ công tác. Thành công tiếp nối sau đó bằng các con số báo ở 3 tháng cuối năm 2012, các vụ trọng án giảm hơn 17% so với năm 2011.
 
Trong năm 2013, CATP sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của 15 tổ công tác trên, bên cạnh việc tiếp tục lựa chọn, bổ sung cán bộ chiến sĩ có trình độ nghiệp vụ giỏi cho các tổ công tác, CATP tăng cường kiểm tra việc chấp hành điều lệnh, quy trình công tác của các tổ cũng như việc tiếp nhận, xử lý vụ việc của CA các địa phương.
 
Đại tá Nguyễn Đức Chung – GĐ Công an TP.Hà Nội từng khẳng định: Tổ công tác 141 đã trở thành “thương hiệu” riêng của lực lượng CA TP.Hà Nội.
 
Lo ngại
 
Còn nhớ cách đây 1 năm, trước việc người dân lo ngại tình trạng lạm quyền ở các tổ công tác 141, Tướng Nhanh (thời điểm đương chức) từng khẳng định: Khi thành lập tổ công tác, công an thành phố đã có quy chế hoạt động, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, phương thức kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, của ngành và tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác. 
 
Bên cạnh đó, công an thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống có thể xảy ra đảm bảo vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Đồng thời hàng tuần, hàng tháng, Ban giám đốc và Ban chỉ đạo kế hoạch 141 tổ chức họp giao ban với tổ công tác để rút kinh nghiệm, đôn đốc chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tham gia tổ công tác chấp hành nghiêm ngặt quy trình công tác, điều lệnh, tư thế tác phong khi tiếp xúc với nhân dân và người vi phạm.
 
Những lời của Tướng Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội thời điểm đó có thể trấn an được dư luận bởi không có chiến sỹ nào trong “thương hiệu 141” bị người dân tố cáo đánh người trong khi “chấp pháp”. Ngược lại, thời điểm đó, liên tiếp những chiến công của họ đã làm lu mờ đi tất cả. Báo chí lúc đó cũng góp phần tung hô họ lên mây cao. 
 
Hiện thực
 
 Ở bài viết này, tôi không có ý phủ nhận những thành công mà “thương hiệu 141” đã đạt được. Mà ngược lại, với tôi, Hà Nội bình yên như ngày hôm nay có phần không nhỏ công lao của họ. Điều này được thể hiện bằng con số các vụ trọng án, cướp giết, đâm chém, bắn bỏ, thanh toán…đã giảm so với cùng kì các năm trước. 
 
Tuy nhiên, đâu đó, trong quá trình tác nghiệp, tôi vẫn được nghe những “câu chuyện không hay” về “thương hiệu 141” từ đồng nghiệp, bạn bè và người thân. Câu chuyện này cứ truyền tai nhau, có người không kiềm chế được cảm xúc, không biết giải tỏa ở đâu họ lại đưa lên Facebook để kể cho nhau nghe. Cứ thế, cứ thế những “câu chuyện không hay” này cứ lan tỏa, rộng dần, xa dần. 
Vụ việc của anh Nghiêm Duy Hoàng đã dấy lên sự bức xúc của người dân Hà Nội với lực lượng 141
Vụ việc của anh Nghiêm Duy Hoàng đã dấy lên sự bức xúc của người dân Hà Nội với lực lượng 141
 
Trở lại với thực tế, ngày 14/3, việc anh  Nghiêm Duy Hoàng “tố” tổ công tác Y5/141 dùng dùi cui và các công cụ hỗ trợ cho tổ công tác đặc nhiệm này đánh đập anh khiến anh nhập viện trong tình trạng đa chấn thương với nhiều vết thương nặng ở đầu, tay, mặt trước sự chứng kiến của nhiều người trên phố đã gióng lên hồi chuông báo động về việc lạm quyền quá mức của 141. 
 
Dĩ nhiên, sự việc đang trong quá trình điều tra, thực hư rồi sẽ rõ. Đúng sai như thế nào sẽ có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ nhưng không ai nói, người dân khi đọc báo tự bản thân họ cũng đã có câu trả lời cho mình với hàng loạt những chất vấn, nghi ngờ về “báo cáo” của 141 cho rằng, anh Hoàng ngã xe máy nên lao đầu vào dải phân cách. 
 
Lời khai của anh Hoàng đã hé lộ một phần sự việc: “Lúc đó tôi định quay xe vòng lại để trốn thoát nhưng biết mình bị chặn, trên đường lại quá nhiều xe cộ nên đã dừng xe, giơ hai tay lên đầu. Tuy nhiên một trong hai người đó đã dí dùi cui điện vào mạng sườn, một người khác mặc sắc phục dùng dùi cui vụt vào mặt tôi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đã nằm trong Bệnh viện Thanh Nhàn với rất nhiều vết thương ở xung quanh cổ, gẫy xương gò má” - anh Hoàng nói
 
Dĩ nhiên, việc anh Hoàng không đội mũ bảo hiểm là sai. Nhưng đâu phải người dân sai là công an có quyền rượt đánh người như thế? 
 
Thậm chí, phát ngôn “sẽ tiến hành xác minh vụ việc” của lãnh đạo Công an Hà Nội còn bị nhiều người dân phản ứng, tỏ vẻ không tin tưởng với những minh chứng cụ thể mà họ đưa ra từ trước như: “Cô gái tát CSGT, chưa đủ 18 tuổi, thì bị xử lý không có cơ hội. Giữa ban ngày mà còn vậy, còn ban đêm và nơi vắng người thì sao, vậy mà họ cứ than thở bị chống đối. Nếu cho nổ súng, thì thanh niên này sẽ ra sao? Thật sự, tôi nghĩ chẳng lẽ ngành công an không hiểu được đâu là bỏ chạy, hoảng sợ khác với chống đối như thế nào sao, thường là họ bị truy đuổi, bạn có nghĩ sau khi họ bị đuổi kịp họ bị đánh như thế nào nên học mới phản ứng một cách thoái hóa, thường thi người dân luôn chịu thiệt, khó có ai thật sự chống đối thật sự lắm” – bạn đọc tên Hùng buồn chia sẻ. 
 
Cũng có bạn đọc cho rằng, vụ việc nêu trên là do bệnh nghề nghiệp. “Dạo gần đây mấy anh í (141/Y5) bắt được nhiều giang hồ, thu gom nhiều vũ khí nên được khen quá trời. Giờ thành bệnh rồi, thấy ai cũng nghi là tội phạm hết, chắc lần này do thấy anh Hoàng bỏ chạy nên tưởng là giang hồ, có vũ khí hay thuốc trong người nên mới bỏ chạy, cho nên mấy anh í mới thẳng tay đó mà. Nhưng mấy anh í quên 1 điều, là khi tòa chưa tuyến có tội thì không ai là tội phạm hết”, bạn đọc này viết. 
 
Xin được kết thúc bài viết bằng ý kiến của 1 bạn đọc bình luận: “Có ông sếp nào dám nhận "lính" của mình cố ý đánh dân gây thương tích để rồi bị cắt thi đua không? Thương tích bị thế mà gọi là tông vào dải phân cách à? Liệu ông thử trường hợp như anh Hoàng tông vào dải phân cách đi? Dám không mà ở trong phòng nói này nói nọ! Phần lớn các vụ mà liên quan đến Công an đánh dân quá tay thì đều bị lơ đi! Hy vọng những người có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ trắng đen của vụ việc, đừng để người dân mất lòng tin, niềm tin vào những người thực thi pháp luật để rồi mất niềm tin vào Đảng!” – Đó cũng là mong muốn của tôi, “thương hiệu 141” hãy thực hiện đúng như những gì mà Tướng Nhanh đã hứa, đã nói với người dân trước lúc về hưu. 
 
Phan Mạnh (Bài viết có sử dụng 1 số tư liệu của đồng nghiệp)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang