2 tháng đầu năm, hơn 33.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

author 17:10 28/02/2021

(VietQ.vn) - Trong hai tháng đầu năm 2021, có tới 33.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong hai tháng đầu năm 2021 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa công bố cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, kinh doanh bất động sản...

  Hơn 33.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong trong 2 tháng đầu năm 2021. Ảnh minh họa

Sự tăng trưởng với tỷ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn.

Trong diễn biến liên quan, hai tháng đầu năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm ở 12/17 lĩnh vực, chủ yếu là các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19 như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; vận tải kho bãi...

Cũng theo báo cáo, hai tháng đầu năm, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 02/2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Giáo dục và đào tạo (468 doanh nghiệp, tăng 78,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.242 doanh nghiệp, tăng 66,3%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.352 doanh nghiệp, tăng 50,4%);

Kinh doanh bất động sản (631 doanh nghiệp, tăng 49,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (155 doanh nghiệp, tăng 49%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.450 doanh nghiệp, tăng 39,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (333 doanh nghiệp, tăng 31,1%); Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (7.878 doanh nghiệp, tăng 28,9%); Xây dựng (3.013 doanh nghiệp, tăng 28,3%); Hoạt động dịch vụ khác (262 doanh nghiệp, tăng 26,6%) và Vận tải kho bãi (1.211 doanh nghiệp, tăng 24,6%).

Có thể thấy, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ, gần 42% doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang