4 trụ cột cho nền kinh tế trong năm 2023 là gì?

author 07:14 04/01/2023

(VietQ.vn) - Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5%. Đây được đánh giá là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ lâm vào suy thoái, nhiều yếu tố bất định, khó lường, chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

 Thúc đẩy tiêu dùng trong nước được xem là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2023. Ảnh minh họa.

Năm 2022 là một năm đầy biến động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng, kinh nghiệm, ý chí và nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra là 6 - 6,5%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Hơn nữa, kinh tế phục hồi đồng đều và tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là một cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua.

Bước sang năm 2023, theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5%, còn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%. Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đáng chú ý khác là GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5 - 6%...

Giới chuyên gia đánh giá, đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ lâm vào suy thoái, nhiều yếu tố bất định, khó lường, chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ngay tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 tổ chức mới đây, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cấp thiết phải nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro, theo dõi, đánh giá kịp thời các tác động. Bên cạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cũng cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vốn, bất động sản, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động nên cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh...

Chia sẻ với báo chí về động lực tăng trưởng trong năm 2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước ta chủ yếu dựa vào “cỗ xe tứ mã” với tầm quan trọng khác nhau của 4 “con ngựa kéo” là 4 trụ cột.

Đó là, đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng trong nước của thị trường gần 100 triệu dân; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tính lan toả của nền kinh tế; xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là động lực mới và sẽ trở thành trụ cột trong những năm tới.

Năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. "Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang