5 địa phương dẫn đầu chỉ số PCI 2022, Quảng Ninh giữ ngôi vị ‘quán quân’

author 15:39 11/04/2023

(VietQ.vn) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị “quán quân” với điểm số 72,95 trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

 Quảng Ninh thu hút đầu tư và phát triển mạnh trong những năm trở lại đây.

Theo đó, báo cáo PCI 2022 đã điểm tên nỗ lực của top 5 địa phương dẫn đầu. Cụ thể, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị “quán quân” với điểm số 72,95 trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Tiếp đến là tỉnh Bắc Giang với điểm số 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Bà Rịa – Vũng Tàu có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp là tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. 

Ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế xếp thứ 6, Bắc Ninh đứng thứ 7, Vĩnh Phúc xếp thứ 8, Đà Nẵng đứng thứ 9 và Long An đứng thứ 10. Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021. Cũng trong bảng xếp hạng PCI 2022, Hà Nội xếp vị trí 20, tụt 10 bậc so với năm 2021, trong khi TP Hồ Chí Minh xếp vị trí 27, tụt 13 bậc so với năm 2021.

Bảng xếp hạng PCI năm 2022. Ảnh: VCCI. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, điều tra gần 12.000 doanh nghiệp trong PCI 2022 thấy được nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục có trải nghiệm tích cực về sự thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian và cải thiện chi phí không chính thức của chính quyền các địa phương Việt Nam. Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ trong điều tra năm nay khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp, cảm nhận về sự cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại, bản thân các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

“Bằng việc xây dựng và công bố chỉ số Xanh, chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang