5 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động quốc gia

author 09:10 07/02/2025

(VietQ.vn) - Năng suất lao động của quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng.

Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đối với năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam theo Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân), thứ nhất, với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và NSLĐ của Việt Nam với các nước thời gian qua là thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực. 

Thứ hai, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.

NSLĐ là một trong những chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách.

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực trong nước còn hạn chế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Theo thống kê đến năm 2018, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 21, 9%, như vậy nghĩa là có tới 78,1 % tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.

Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ. Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số cũng là một vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến NSLĐ của Việt Nam trong tương lai.

NSLĐ không chỉ phản ánh hiệu quả sử dụng lao động mà còn thể hiện mức độ cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, trình độ kỹ thuật và khoa học công nghệ, cụ thể là máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp tư nhân, quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp và trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Thứ năm, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập. Tăng trưởng kinh tế ở nước ta chủ yếu dựa vào đóng góp của vốn và lao động. Năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Việc huy động được nguồn vốn lớn mặc dù đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR của Việt Nam ở mức cao. 

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố chính, các tác động tới từ một số bất hợp lý, “rào cản” từ thể chế cũng như quy mô doanh nghiệp cũng khiến cho NSLĐ Việt Nam ở mức thấp so với các quốc gia khác. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản.

Do xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, việc phát triển những thị trường có thể chế đặc thù trên gặp nhiều khó khăn, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta thời gian qua tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Việt Nam hiện ở vị trí thứ 68 trên 190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh. Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh.

Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức NSLĐ cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam vẫn còn thấp. 

Đó chính là những “điểm nghẽn” ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Trong đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động và thay đổi NSLĐ nội ngành, cùng với mối quan hệ tương tác của chúng được xem là nút thắt để giải quyết vấn đề tăng NSLĐ một cách bền vững, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang