6 năm sau khi UKVFTA có hiệu lực, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế

author 07:03 19/02/2021

(VietQ.vn) - Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, phía Bạn sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA) giai đoạn 2021 – 2022.

Bộ Tài chính cho biết, đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về cơ bản kế thừa các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA). Theo đó, sau 06 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, phía Bạn sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế.

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len: Việt Nam kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA. Theo đó, ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế. Tiếp đó, sau 06 năm, 91,8% số dòng thuế sẽ được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 9 năm, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế.

Hiệp định UKVFTA được Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len gấp rút đàm phán sau sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) nhằm đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn và việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại được thông suốt.

Từ năm 2010-2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đã tăng gấp 3 lần, lên tới 7,79 tỷ USD. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước ước tính vẫn đạt 5,55 tỷ USD trong năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,88 tỷ USD và nhập khẩu đạt 670 triệu USD. Anh hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, Việt Nam luôn giữ vững mức thặng dư thương mại lớn tại thị trường này.

Về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2022, dự thảo nêu rõ ban hành kèm theo Nghị định này:

Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA: gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng;

Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA: gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu vào Việt Nam từ các vùng lãnh thổ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này đối với từng mã hàng.

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh là Bắc Ai-len sẽ được hưởng ưu đãi về thuế. Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa chính thức được ký kết và lập tức có hiệu lực ngày 31/12/2020 được đánh giá sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam bứt phá và có những bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập.

Bằng việc phát huy hiệu lực và hiệu quả tức thì, UKVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực và ngay lập tức cho các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Anh bằng cách được hưởng lợi tự việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh Quốc và 65% thuế quan ở chiều ngược lại; trong đó, có nhiều hàng hóa được hưởng thuế suất 0%...

Hiện tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ đô la Mỹ của Vương quốc Anh. Trong khi đó, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường này một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm đồ gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Do đó, có thể thấy rằng, dư địa xuất khẩu của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh quốc còn rất lớn và nhiều triển vọng để tăng trưởng xuất khẩu.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, nên việc ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam - Vương quốc Anh sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở các kết quả đàm phán tích cực từng có trước đây.

Hiệp định UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác; trong đó, nhiều nội dung hướng tới việc đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Trong quá trình tiếp xúc và trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước, Hiệp định UKVFTA được thực thi, phía Anh quốc vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong đó, có những mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh như gạo, tinh bột sắn và thủy sản.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang