Thực hư DN trong nước phải “bó tay” từ ốc vít, sạc pin

author 11:49 11/09/2014

(VietQ.vn) - Những phụ kiện tưởng như đơn giản cũng không sản xuất được, nếu có thì DN cũng không đáp ứng nổi yêu cầu về tiến độ cũng như giá cả

 Những ngày gần đây, dư luận ngạc nhiên trước thông tin tới thời điểm này, DN trong nước vẫn phải “bó tay” không sản xuất nổi từ con ốc vít, cái sạc pin. Vậy thực hư thông tin này ra sao?

Sản xuất ra nhưng không bán được

Trước đó, bắt nguồn từ bài phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, cho biết: Thực tế công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở VN, ngoại trừ ngành xe máy linh phụ kiện trong nước cung cấp được đến 85-90% do áp lực buộc phải giảm giá thành phát triển trong nước khi xe máy Trung Quốc giá rẻ ập vào, còn lại nền CNHT chúng ta vẫn rất hạn chế.

"Chúng tôi mới được Tập đoàn Samsung cung cấp danh sách trên 170 linh kiện, phụ tùng mà VN có thể làm để cung ứng cho GalaxyS4 và Tab7 của họ. Tuy nhiên khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe..."

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do DN FDI sản xuất

Để làm rõ thông tin, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hoài.

Theo đó, cơ sở để ông Hoài nêu nhận định trên xuất phát từ tình hình sản xuất thực tế của các DN trong nước. “Linh kiện điện thoại không phải sản phẩm công nghệ cao nhưng cũng không hẳn phải công nghệ thấp. Nói là sản xuất được phải đảm bảo 3 yếu tố: đủ trình độ khoa học công nghệ, đáp ứng tiến độ thời gian và giá cả phải cạnh tranh. Vì vậy, có thể chúng ta làm được nhưng giá cao, không đáp ứng tiến độ thì cũng không giải quyết được vấn đề. Đây cũng là lý do vì sao những đề tài nghiên cứu khoa học của ta không thương mại hóa được, bởi nghiên cứu sản xuất ra được sản phẩm nhưng lại không đảm bảo tính cạnh tranh.”

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng nêu rõ: Hiện nay, điểm yếu cơ bản của ngành CNHT Việt Nam là chưa chủ động được vật liệu đầu vào cơ bản như sắt, thép chế tạo, nhựa, chất dẻo…Trong đó, Việt Nam có lợi thế so sánh với nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú như quặng kim loại và dầu mỏ. Để tạo sự chủ động được vật liệu đầu vào của ngành CNHT, Nhà nước phải tham gia đầu tư các dự án này. Các dự án mang tính chất thượng nguồn này thường có qui mô rất lớn, các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực để đầu tư.

Nhu cầu nhiều, làm không được bao nhiêu...

Theo tính toán của Bộ Công Thương,  hiện dung lượng thị trường một số ngành đã đủ lớn để tập trung phát triển ngành cung ứng linh kiện và phụ tùng, đặc biệt ngành điện - điện tử, cơ khí chế tạo tập trung ở một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Nokia và các công trình công nghiệp nặng, năng lượng.
Trong những năm tới đây, nhu cầu về vật liệu, linh phụ kiện và phụ tùng sẽ tiếp tục tăng, dự kiến kim ngạch nhập khẩu các ngành điện-điện tử, dệt may-da dày, thép, cơ khí chế tạo trên có thể lên tới khoảng gần 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, sản phẩm CNHT chủ yêu do doanh nghiệp FDI sản xuất. Các sản phẩm doanh nghiệp nội địa sản xuất có chất lượng thấp, giá thành cao (công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới (do hạn chế nguồn lực, qui trình sản xuất kém…) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nội địa.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 210 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, xăm lốp, bộ tản nhiệt...

Số lượng doanh nghiệp CNHT là quá ít so với các doanh nghiệp công nghiệp chính. Ngay cả khi đã chọn được nhà cung cấp nội địa, các doanh nghiệp lắp ráp cũng chưa yên tâm về chất lượng đồng đều của các loạt sản phẩm. Các doanh nghiệp CNHT muốn phát triển phải đáp ứng được 3 yếu tố, chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Hiện nay, rất ít các doanh nghiệp Việt nam đáp ứng được cả 3 yếu tố trên.

Trong khi các sản phẩm hỗ trợ của nước ta nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá cao…thì các sản phẩm hỗ trợ của Trung Quốc,  ấn Độ, Thái Lan, Malaixia... nhất là của Trung Quốc tuy chất lượng cũng không phải là cao hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam, nhưng hàng của họ giá rất rẻ, nhiều chủng loại…Đó chính là  nguyên nhân chủ yếu khiến ngành công nghiệp chế tạo trong nước chủ yếu sử dụng linh kiện và phụ tùng là nhập khẩu.

Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế nhà nước chỉ đạt 40 tỷ USD vào năm 2014, nhỏ hơn nhiều giá trị nhập khẩu linh phụ kiện một số ngành chủ yếu trên, khoảng 53,2 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện và vật liệu khoảng 40,14 tỷ USD gấp 6 lần giá trị SXCN ngành điện, bằng 5 lần SXCN ngành dầu khí. Điều đó cho thấy qui mô và tiềm năng phát triển của ngành CNHT là rất lớn.


Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang