Xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu: Cần thêm những ‘quả đấm thép’

author 07:03 28/01/2022

(VietQ.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp bán nhiên liệu sinh học E5 RON 92-II có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thu ngân sách nhà nước với số tiền gần 190 triệu đồng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội Quản lý Thị trường số 6, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang chủ trì tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 01 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 01 mẫu nhiên liệu sinh học E5 RON 92-II để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, lô hàng này có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cụ thể chỉ tiêu: Ethanol % thể tích mức quy định 4-5 nhưng kết quả thử nghiệm là 3,58 (chỉ đạt 89,5% so với mức quy định).

Qua thẩm tra, xác minh thông tin, Đội QLTT số 6 hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục QLTT trình và ngày 13/01/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trường hợp vi phạm nêu trên với số tiền 182.980.675 đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng 4.055 lít nhiên liệu sinh học E5 RON 92-II có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý doanh nghiệp, cá nhân bán xăng dầu kém chất lượng. (Ảnh minh hoạ)

Tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Để kiểm soát và bảo đảm chất lượng xăng dầu trên thị trường, thời gian qua cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Qua đó, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, vận động quần chúng nhân dân tố giác những đối tượng, cửa hàng xăng dầu có nghi vấn nhằm ổn định trật tự trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Cung, Giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng dầu lậu nếu không phải chịu các loại thuế phí đã "ăn không" được khoảng 6.000 - 7.000 đồng.

Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ khoảng 60-70%, số còn lại phải nhập khẩu và đây là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm, nhập lậu, pha chế sản phẩm kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính.

Ðiều này gây thất thu cho ngân sách rất lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát doanh nghiệp phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và quản lý thị trường nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, các đơn vị liên quan cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang