AI ứng dụng góp phần triển khai thành công kinh tế số

author 05:38 20/01/2023

(VietQ.vn) - Trong Chiến lược mới ban hành, Bộ TT&TT nêu rõ quan điểm, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng góp phần triển khai thành công kinh tế số, xã hội số, chính phủ số ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định quan trọng liên quan đến chuyển đổi số đất nước, gồm Quyết định 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Quyết định 942 phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định 411 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025. Các quyết định này đều nhấn mạnh đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển AI ứng dụng, Bộ TT&TT mới đây cũng đã ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng). Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề.

Trong Chiến lược mới ban hành, Bộ TT&TT nêu rõ quan điểm, phát triển AI ứng dụng góp phần triển khai thành công kinh tế số, xã hội số, chính phủ số ở Việt Nam; hợp tác quốc tế có hiệu quả để phát triển AI ứng dụng. Lấy con người làm trung tâm, đảm bảo hài hòa các lợi ích mà AI ứng dụng mang lại cho các ngành, lĩnh vực, đảm bảo an toàn cho các sản phẩm, dịch vụ AI, đồng thời không vi phạm các vấn đề đạo đức, chuẩn mực con người khi triển khai AI.

Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy phát triển AI ứng dụng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, làm tốt vai trò cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp AI với các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng AI.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, AI ứng dụng góp phần thông minh hóa 100% thủ tục hành chính có điều kiện cung cấp trực tuyến; 100% đô thị ở Việt Nam triển khai AI ứng dụng để giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị.

Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng cho tối thiểu 1.000 cán bộ, chuyên gia các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển AI ứng dụng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, trong Chiến lược, bên cạnh 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm Bộ TT&TT cũng xác định rõ 6 giải pháp, nhóm giải pháp bao gồm: Bảo đảm dữ liệu phát triển AI ứng dụng; kết nối cung – cầu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp AI ứng dụng; đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trong nước; hợp tác quốc tế; và bổ sung các chỉ tiêu đánh giá khả năng sẵn sàng AI ứng dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đưa vào bộ chỉ số chuyển đổi số - DTI.

Bộ TT&TT cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các doanh nghiệp công nghệ trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang