Ám ảnh mất ngủ do Covid-19: Làm thế nào để cải thiện?

author 18:47 15/03/2022

(VietQ.vn) - Tình trạng mất ngủ đang là nỗi ám ảnh với bệnh nhân dương tính cũng như hậu COVID-19. Trước thực trạng này, người bệnh cần làm gì để cải thiện giấc ngủ?

Đăng lên hội nhóm “F0 phục hồi Covid-19”, người bệnh hỏi: “Sau khi nhiễm COVID-19 mình bị tức ngực, khó thở, sức khỏe xuống sức trầm trọng, thậm chí ù tai và mất ngủ từ 1- 4 giờ sáng nên rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Có ai giống mình không, mình lo lắng quá”.

Sau khi bài viết đăng tải có rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ cũng gặp phải tình trạng trên. Cụ thể: “Mình cũng bị mất ngủ"; "Vậy mà tôi tưởng chỉ có mình tôi là mất ngủ, tôi bị từ 1-3 giờ sáng vẫn chưa ngủ được, cứ ho, rát cổ, mệt"; "1-2 giờ sáng mà không ngủ nổi"; "3 ngày nay tôi toàn 1 giờ sáng mới ngủ được...”. Thậm chí, nhiều người còn cho biết mất ngủ cả ngày lẫn đêm, cứ nhắm mắt lại đau đầu và không ngủ được...

 Nhiều người cho biết gặp tình trạng mất ngủ hậu COVID-19.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị H. (Hà Nội) cho biết, từ ngày bị nhiễm COVID-19 đến nay mặc dù đã khỏi bệnh nhưng tình trạng mất ngủ vẫn tiếp diễn khiến cuộc sống, công việc của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Mình đã âm tính 1 tháng nhưng vẫn mất ngủ liên tục, 2 quầng mắt thâm hơn gấu trúc. Mặc dù đã sử dụng tâm sen, thuốc mất ngủ nhưng vẫn không cải thiện, tôi rất lo lắng”, chị H. chia sẻ.

Theo các chuyên gia y tế, COVID-19 là bệnh nhiễm trùng hệ thống, sau khi khỏi bệnh độc tố của virus vẫn tồn tại trong nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể như phổi, gan, cơ, thận, khớp, da, thần kinh... gây di chứng, xảy ra ở tuần 2-4 sau khi khỏi bệnh.

Với bệnh nhân nặng có thể bị nhiều di chứng cùng lúc, phổ biến là mệt mỏi, đau tức ngực, ho kéo dài, thở hụt hơi kèm theo căng thẳng, lo âu. Nỗi sợ hãi bệnh tật khiến người bệnh dễ mất ngủ, đầu giấc khó ngủ, hay tỉnh giấc bất chợt, khó duy trì giấc ngủ... gọi chung là rối loạn giấc ngủ.

Thực tế, rối loạn giấc ngủ kéo dài không được can thiệp, điều trị dễ khiến người bệnh gặp vấn đề sức khỏe, người luôn mệt mỏi, đau dạ dày, đánh trống ngực, thậm chí có thể bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân. Lúc này, cần đến cơ sở y tế khám, tìm nguyên nhân, mức độ rối loạn giấc ngủ để có phương án điều trị phù hợp.

Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM), mất ngủ trong thời gian mắc COVID-19 là chuyện rất bình thường. Tình trạng mất ngủ có thể diễn ra trong thời gian bị COVID-19, cũng có thể xuất hiện vào thời gian hậu COVID-19. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hầu như chỉ là do stress.

Vì vậy, hãy làm những việc lành mạnh, những việc có thể mang lại niềm vui, tiếng cười, sự thoải mái cho bạn để giải tỏa stress. Nếu mất ngủ, căng thẳng, nhức đầu hãy uống thuốc thảo dược phù hợp, không việc gì phải chịu đựng cơn khó chịu để rồi stress thêm.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ. Tránh tình trạng nhàn rỗi quá mức dẫn đến hiện tượng ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.

Nên tập thói quen ngủ 6-8 tiếng/đêm và cố gắng đi ngủ - thức dậy cùng một giờ như nhau vào tất cả các ngày trong tuần. Nên ngủ trước 23 giờ.

 Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, cần đến cơ sở y tế thăm khám. Ảnh minh họa

Nên giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút. Ngoài ra, cần giữ môi trường ngủ an lành, yên tĩnh và tối. Cất đồ điện tử xa tầm tay và nên thư giãn bằng bồn tắm hoặc vòi hoa sen nước ấm, đọc sách hoặc thiền 30 phút trước khi đi ngủ.

Nên bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương. Người khỏi bệnh nên bắt đầu chế độ ăn hậu Covid-19 bằng việc chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thành phần bữa ăn có đủ rau xanh, hoa quả tươi, protein và tinh bột. Nhớ uống nước đầy đủ, có thể uống nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin.

Nếu tình trạng khó ngủ vẫn tiếp diễn người bệnh nên sớm tới cơ sở y tế để khám và nhận tư vấn tình trạng sức khỏe. Hầu hết các vấn đề rối loạn về giấc ngủ đều đáp ứng tốt với biện pháp điều trị, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức áp dụng điều trị chứng mất ngủ.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang