Ấn Độ triển khai xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn về thương mại điện tử

(VietQ.vn) - Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đã công bố dự thảo Tiêu chuẩn về Thương mại điện tử – Nguyên tắc và Hướng dẫn về Tự quản nhằm bảo vệ quyền lợi các bên liên quan khi tham gia mua sắm trên các nền tảng xã hội.
TCVN 11511:2024 về rau đông lạnh
Công bố tiêu chuẩn an toàn nâng cao đối với nôi, cũi cho trẻ em
Nhật Bản sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới về độ bền của nhà xây bằng gỗ
Mới đây, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) công bố dự thảo Tiêu chuẩn về Thương mại điện tử – Nguyên tắc và Hướng dẫn về Tự quản. Dự thảo đề cập đến các chủ đề như tự quản để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo các hoạt động công bằng giữa các bên liên quan và nhu cầu về các hoạt động chuẩn hóa trên không gian thương mại điện tử...
Ủy ban chuyên ngành Bán lẻ, Thương mại điện tử và Dịch vụ thanh toán điện tử của BIS là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm công bố bản dự thảo này. Đồng thời, Ủy ban cũng chịu trách nhiệm về thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn hoạt động bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán điện tử.
Dự thảo Tiêu chuẩn về thương mại điện tử giúp các bên liên quan tự điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi của chính mình
Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc và hướng dẫn trong ba giai đoạn của giao dịch thương mại điện tử: trước giao dịch, hình thành hợp đồng và sau giao dịch. Các điều khoản chính bao gồm xác minh danh tính, thông tin khách hàng, cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm từ nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất…, ngoài ra sản phẩm cũng công bố giá cả minh bạch, chính sách hoàn trả, hoàn tiền rõ ràng và cơ chế giải quyết tranh chấp dành cho khách hàng để bảo vệ lợi ích người mua, cũng như đảm bảo niềm tin của họ với nhà sản xuất.
Bản dự thảo cũng đề cập đến bảo vệ dữ liệu, các biện pháp chống hàng giả và hoạt động kinh doanh công bằng nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, chống việc thiếu minh bạch trong kinh doanh.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu quá trình vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng, thông tin quá trình giao hàng phải được công bố đầy đủ, rõ ràng. Các mặt hàng có dấu hiệu bị mở, bong tróc trong quá trình vận chuyển sẽ được coi là vi phạm hàng hóa, chỉ đến khi đến tay khách hàng nhận, họ mới có quyền được kiểm tra. Đồng thời, khách hàng cũng có quyền yêu cầu thay đổi mặt hàng trước khi có xác nhận cuối cùng.
Bên cạnh đó, bản dự thảo Tiêu chuẩn còn nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn thông tin và minh bạch hồ sơ giao dịch giữa bên bán hàng và bên vận chuyển, tránh rủi ro về an toàn bảo mật, hồ sơ khách hàng bị rò rỉ. Đồng thời, việc đa dạng hóa phương thức thanh toán cũng như nêu rõ các khoản định mức thu phí định kì được nêu rõ ràng để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Việc xây dựng Tiêu chuẩn này nhằm ngăn chặn thương mại hóa các sản phẩm bị cấm trên thị trường trực tiếp nhưng lại được rao bán trên các trang thương mại điện tử, điều này sẽ dẫn đến tạo lỗ hổng cho kẻ xấu lợi dụng buôn bán hàng hóa bất chính. Mặt khác, cũng để đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan tham gia mua sắm trên thương mại điện tử: nhà cung cấp dịch vụ, người bán và người mua hàng.
Bảo Linh