An Giang: Liên tiếp phát hiện các nguồn hàng không rõ nguồn gốc

author 06:03 24/11/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh An Giang mới đây đã liên tiếp phát hiện các nguồn hàng, sản phẩm gia dụng không rõ nguồn gốc, chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ.

Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng các đơn vị chức năng phát hiện 2 ô tô tải vận chuyển hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Vừa qua, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tổ chức tuần tra chống buôn lậu trên địa bàn huyện.

Xe tải chở hàng hóa nhập lậu bị thu giữ 

Khi đến khu vực khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, Tổ công tác phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 67C-078.77 do Trương Văn Thật (sinh năm 1989, trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có vận chuyển số lượng lớn hàng hóa xuất xứ nước ngoài gồm 52.200 cây bàn chải đánh răng, 3.000 bịch khăn giấy ướt, 1.120 chai sữa tắm. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 700 triệu đồng.

Trước đó, tại khu vực khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, khoảng 7h ngày 21/11, Tổ công tác cũng phát hiện Nguyễn Văn Phi (sinh năm 1982, trú tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 67H-011.78 vận chuyển 360 bộ tách trà xuất xứ nước ngoài. Trị giá hàng hóa khoảng 36 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, cả 02 lái xe Trương Văn Thật và Nguyễn Văn Phi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số hàng hóa trên.

Vụ việc đã được Tổ công tác bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Công an huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết, ngày 22/11, đơn vị vừa phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra một shop thời trang trên địa bàn xã Bình Hòa, phát hiện, tạm giữ trên 2.900 sản phẩm quần áo không hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, khoảng 13h30' ngày 21/11, Tổ công tác thuộc Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Châu Thành phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và Đội QLTT số 01 (Cục QLTT tỉnh) tiến hành kiểm tra shop thời trang “Nguyễn Hương” tại ấp Phú Hòa II, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang do bà Nguyễn Thị Diễm Hương (SN 1996, trú tại xã An Hòa, huyện Châu Thành) làm chủ.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại shop có 2.602 cái quần, áo nữ và 300 bộ đồ nữ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hương không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số quần áo trên. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ số quần, áo trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang