An Giang: Thu giữ hơn 1 tấn đường cát không rõ nguồn gốc

author 17:14 17/04/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang vừa tổ chức mật phục, phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng mua bán 1,05 tấn đường cát không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, Đồn Biên phòng Phú Hữu (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) phối hợp với Đội đặc nhiệm (Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) tổ chức mật phục trên địa bàn xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, phát hiện 3 đối tượng điều khiển 3 xe máy chở nhiều bao tải màu trắng có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác tiến hành truy đuổi, kiểm tra.

Phát hiện lực lượng chức năng truy đuổi, lợi dụng đêm tối, 3 đối tượng điều khiển phương tiện lẩn trốn để lại các bao tải màu trắng trên tỉnh lộ 956.

Tiến hành kiểm tra xung quanh, tổ công tác phát hiện, bắt giữ được 1 đối tượng, 1 xe máy biển kiểm soát 67AF 05656 và 21 bao đường nhãn hiệu nước ngoài; tổng trọng lượng đường là 1,05 tấn.

Đối tượng vận chuyển đường cát nhập lậu trái phép bị bắt giữ 

Bước đầu, đối tượng khai nhận tên Nguyễn Thanh Dũng (sinh năm 1970, thường trú tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Dũng là người mua 21 bao đường trên từ 1 người (không rõ họ tên, địa chỉ) để vận chuyển về TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) bán kiếm lời. Dũng không biết danh tính 3 đối tượng vận chuyển đường giao cho mình. Đồn Biên phòng Phú Hữu đang tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, một trong những khó khăn trong việc ngăn chặn đường buôn lậu, nhập khẩu trái phép vào Việt Nam chính là do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát rất tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như: Chia nhỏ, đóng bao (loại 50 kg) đường nhập lậu bằng bao bì đường Việt Nam ở bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa hoặc xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ; Tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép qua biên giới; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng đa dạng…

Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu đều không trực tiếp thực hiện, mà chúng thuê người làm thay, dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây, một số đối tượng do không có nghề nghiệp ổn định, một số đã có tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt giữ gây khó khăn trong việc xử lý đối với đối tượng cầm đầu...

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường. Với công nghệ hiện tại, việc truy xuất bằng mã QR hoàn toàn có thể thực hiện đồng bộ từ đó giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Ví dụ thành công gần đây là việc sử dụng mã QR để kiểm soát xe luồng xanh đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Một khi triển khai truy xuất nguồn gốc thành công, đường lậu sẽ không còn có “đất” để tồn tại và gây lũng đoạn thị trường như hiện nay.

Nhưng quan trọng hơn vẫn là có những biện pháp chế tài thích đáng đối với các đối tượng tham gia và tiếp tay cho đường lậu, kiên quyết tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm… Cùng với đó, cần xử lý nghiêm là hoạt động mua bán hoá đơn bất hợp pháp tạo vỏ bọc cho “đường lậu” thay đổi nguồn gốc. Nếu được thực hiện quyết liệt, “không vùng cấm”, các giải pháp trên sẽ ngăn chặn hầu như triệt để đường lậu ngay tại đường biên.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang