An Giang: Tiêu hủy gần 6,6 tấn chả chay pha hàn the

author 19:07 17/09/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh An Giang vừa tiến hành tiêu hủy hơn 6,5 tấn chả đòn chay không đảm bảo an toàn của một hộ kinh doanh.

Cụ thể, tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng của Công an tỉnh đã tiêu hủy 6.573kg chả đòn chay của hộ kinh doanh Hiền Hậu. 

Trước đó, ngày 25/1 đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chay Hiền Hậu do ông Quách Văn Hiền (SN 1960) làm chủ phát hiện tại cơ sở của ông Hiền có 176 bao chả đòn chay (tổng trọng lượng 6.573 kg) dương tính với hàn the. Làm việc với lực lượng chức năng, ông Hiền cho biết do nhu cầu của thị trường nên sử dụng hàn the trong việc chế biến chả đòn chay. 

Số chả chay chứa hàn the bị đem đi tiêu hủy.

Hộ kinh doanh Hiền Hậu đã có hành vi sản xuất sản phẩm chả đòn chay, thuộc diện tự công bố sản phẩm, mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật (xử phạt 45 triệu đồng); sử dụng phụ gia thực phẩm hàn the (borat) ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (xử phạt 90 triệu đồng).

Ngoài ra, hộ kinh doanh Hiền Hậu còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ sản xuất chả đòn chay trong thời gian 4 tháng (kể từ ngày nhận được quyết định).

Tác hại của hàn the với sức khỏe

Hàn the (borax) được sử dụng rộng rãi trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước, xà phòng, chất khử trùng, thuốc trừ sâu và là chất cấm trong thực phẩm.

Tuy nhiên vì lợi nhuận cũng như do tâm lý người tiêu dùng muốn ăn giò chả thơm, giòn nên hàn the vẫn được sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu ăn thực phẩm chứa hàn the (có nhiều trong giò, chả, nem...), chất này sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây triệu chứng cấp tính và mạn tính.

Các loại ngộ độc do hàn the như ngộ độc cấp tính, xảy ra trung bình 6-8 giờ sau khi ăn, nuốt phải hàn the, với các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, co giật. Người ăn phải hàn the có cảm giác bị chuột rút vùng bụng, vật vã, dấu hiệu kích thích màng não và kích động, tróc da, phát ban, đặc biệt vùng mông, gan bàn tay. Thậm chí, với hàm lượng cao có thể gây suy thận. Nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, da xanh tím, co giật, hoang tưởng và hôn mê.

Những thay đổi bệnh lý thường gặp là ổ chảy máu, sung huyết và thâm nhiễm bạch cầu da, thoái hóa ống thận, thoái hóa mỡ gan, thực bào thần kinh, giảm chất nhiễm sắc ở não và tủy sống. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cấp tính khoảng 50%.

Trường hợp ngộ độc mãn tính do ăn phải hàm lượng thấp, hàn the tích lũy trong cơ thể, gây ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức phận của thận, biểu hiện bằng mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, nôn tiêu chảy nhẹ, mẩn đỏ da, cùng với tróc da, đặc biệt ở mông, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Rụng tóc, suy thận, cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không hồi phục được. 

Liên quan đến chất phụ gia, Bộ Y tế từng ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến nhóm chất này. Cụ thể: QCVN 4-23:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất tạo bọt; QCVN 4-22:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất nhũ hóa; QCVN 4-21:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất làm dày; QCVN 4-20:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chất làm bóng; QCVN 4-19:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Enzym; QCVN 4-18:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Nhóm chế phẩm tinh bột; QCVN 4-14:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất tạo phức kim loại; QCVN 4-13:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất ổn định; QCVN 4-12:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất bảo quản; QCVN 4-1:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất điều vị; QCVN 4-17:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất khí đẩy; QCVN 4-16:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất độn; QCVN 4-15:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất xử lý bột; QCVN 4-11:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – Chất điều chỉnh độ acid.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang