Đề nghị Philippines sớm tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu gạo Việt Nam

author 14:22 16/09/2022

(VietQ.vn) - Với Việt Nam, Philippines vẫn luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng. Ngành gạo Việt Nam đã có nhiều năm phát triển các loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường Philipppines. Xuất khẩu gạo sang Philippines những năm gần đây thường chiếm tới 30-32% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chiều ngày 15/9/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã hội đàm với Ngài Alfredo E. Pascual - Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 tại Xiêm Riệp, Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines- ngài Alfredo E. Pascual 

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), với những lợi thế về sự bổ trợ tốt trong cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu và khoảng cách địa lý gần gũi, thương mại song phương liên tục ghi nhận tăng trưởng. Hai nước cũng đã có sự phối hợp tốt và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, hai nước đã có sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn và khôi phục các hoạt động kinh tế.

Trong hai năm qua, Việt Nam luôn nằm trong số 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Gạo Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng với Việt Nam, Philippines vẫn luôn là thị trường quan trọng và có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác này.

Ngành gạo Việt Nam đã có nhiều năm phát triển các loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường Philipppines. Xuất khẩu gạo sang Philippines những năm gần đây thường chiếm tới 30-32% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này đã góp phần giúp Philippines đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, đồng thời tạo thu nhập cho người nông dân Việt Nam.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu quan ngại liên quan đến việc phía Việt Nam nhận được phản ảnh của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Philippines cũng như đối tác nhập khẩu gạo tại Philippines hiện đang gặp khó khăn do thủ tục nhập khẩu và do cơ quan chức năng của Philippines trì hoãn việc cấp Giấy phép kiểm dịch thông quan nhập khẩu (SPS-IC).

Phía Việt Nam cho rằng, những biện pháp và động thái của phía Philippines không phù hợp với các quy định của WTO và các hiệp định mà hai Bên là thành viên. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ trưởng Alfredo E. Pascual có tiếng nói với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Philippines để sớm khắc phục tình trạng này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo của hai Bên.

Xuất khẩu gạo sang Philippines những năm gần đây thường chiếm 30-32% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới 

Về việc này, Bộ trưởng Alfredo E. Pascual cho biết sẽ trao đổi với Bộ Nông nghiệp để giải quyết, trên tinh thần đảm bảo cho hoạt động thương mại gạo giữa hai nước diễn ra bình thường, thuận lợi và sẽ có phản hồi sau khi nhận được văn bản chính thức của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam gửi.

Bộ trưởng Alfredo E. Pascual cho biết, điều kiện canh tác lúa gạo tại Philippines không được thuận lợi như Việt Nam, do đặc điểm địa hình có nhiều đảo. Philippines rất ngưỡng mộ những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Philippines muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam.

Nhấn mạnh tính bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước, hai Bên cũng dành thời gian thảo luận về các mặt hàng tiềm năng có thể tăng cường sự trao đổi trong thời gian tới. Philippines mong muốn hợp tác với Việt Nam để sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp cao. Theo đó, mỗi bên sẽ chuyên về những sản phẩm linh kiện và công đoạn sản xuất phù hợp với năng lực và thế mạnh của mỗi nước để nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của mỗi nước trong các chuỗi giá trị.

Hai bên nhấn mạnh sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương, cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương. Hai bên thống nhất phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp sang làm việc, tìm hiểu thị trường và các cơ hội hợp tác cụ thể; tổ chức đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại để giới thiệu các mặt hàng xuất nhập khẩu; tạo điều kiện để các mặt hàng mỗi bên có lợi thế thâm nhập nhiều hơn vào thị trường nước bên kia.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang