Cảnh báo: Ăn quá nhiều lượng thịt này có thể làm tăng nguy cơ ung thư

(VietQ.vn) - Theo cảnh báo từ các chuyên gia, thịt đỏ được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng của các trường hợp ung thư và tiểu đường loại 2.
Người tiểu đường nên và không nên ăn loại thịt nào?
Những thực phẩm có thể thay thế thịt trong bữa ăn
Tiêu hủy 1750kg lợn thịt không có giấy kiểm dịch
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàng ngày giữ một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng là chìa khóa quan trọng đối với sức khỏe. Do đó, theo khuyến cáo của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS, mỗi người lớn không nên ăn quá 70g thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn mỗi ngày. NHS là một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới với những hỗ trợ y tế an toàn và hiện đại của Anh. Hệ thống này cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác nhau, từ đặt hẹn với bác sỹ, điều trị tại bệnh viện, đến chăm sóc nha khoa.
Hướng dẫn chính thức của cơ quan này nêu rõ rằng, thịt đỏ - chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn - là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất dồi dào, đồng thời là một phần của chế độ ăn uống cân bằng. Bởi thịt đỏ còn là thực phẩm có nhiều lợi ích, có nhiều sắt là chất nhiều cô gái tuổi thiếu niên và phụ nữ trong khi mang thai bị thiếu. Heme sắt có trong thịt đỏ dễ dàng được cơ thể hấp thu. Thịt đỏ cũng cung cấp vitamin B12, giúp tạo ra DNA và giữ các tế bào thần kinh hồng cầu khỏe mạnh và cung cấp kẽm để giữ cho hệ thống miễn dịch làm việc tốt, cung cấp chất đạm, giúp xây dựng xương và cơ bắp.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế của Tạp chí Sức khỏe toàn cầu BMJ tiết lộ rằng, số ca tử vong liên quan đến thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn đã tăng 75% ở một số quốc gia. Trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã tăng việc nhập khẩu các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước.

Nghiên cứu mới đây đã xem xét tỷ lệ tử vong và số năm chung sống với bệnh do chế độ ăn uống gây ra như ung thư ruột, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch vành ở người 25 tuổi trở lên. Các dữ liệu được thu thập từ năm 1993 đến năm 2018 dựa trên 154 quốc gia và 14 loại thịt đỏ.
Các loại thịt đỏ này đều có nguồn gốc từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt dê. Các mặt hàng được chế biến sẵn, bảo quản bằng cách hun khói, ướp muối hoặc xử lý bằng hóa chất.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng, trong giai đoạn 1993 - 1995 và 2016 - 2018, trong số 154 quốc gia, có đến 3/4 nước có số trường hợp tử vong tăng liên quan đến chế độ ăn uống (thống kê dựa trên tình hình xuất - nhập khẩu thịt tại các nước).
So sánh sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt đỏ ở mỗi quốc gia với số ca tử vong, các chuyên gia nhận thấy rằng, có đến 10.898 ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến tiêu thụ thịt đỏ trong giai đoạn 2016 - 2018, tăng gần 75% so với số liệu của năm 1993 - 1995.
Trong năm 2016 - 2018, 10 quốc gia hàng đầu có các trường hợp tử vong do tiêu thụ thịt nhiều nhất bao gồm Hà Lan, Bahamas, Tonga, Đan Mạch, Antigua và Barbuda, Seychelles, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Croatia và Hy Lạp. Ở những nước này, số ca tử vong do ăn nhiều thịt chiếm hơn 7% tổng số ca tử vong do các chế độ ăn uống khác nhau.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, nhiều quốc gia nhập khẩu thịt để sau đó xuất khẩu trở lại. Do vậy, điều này có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu của họ.
“Nghiên cứu này cho thấy, sự gia tăng về các hoạt động buôn bán thịt đỏ và thịt chế biến sẵn ở nhiều nước trên thế giới đã góp phần vào sự gia tăng đột ngột của các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến chế độ ăn uống. Để can thiệp vào vấn đề này, cần khẩn trương tích hợp các chính sách y tế với các chính sách nông nghiệp và thương mại bằng việc hợp tác giữa các nước chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu thịt”, các chuyên gia cho biết.
Trước đó, đã từng có nghiên cứu cho rằng, ăn hơn 25g thịt mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng, chỉ một chiếc xúc xích hoặc 3 miếng thịt xông khói mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 20%.
Cụ thể, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Y tế quốc gia trên hơn một nửa triệu người Mỹ lớn tuổi kết luận, những người ăn gần như toàn thịt đỏ và thịt chế biến trong khoảng thời gian trên 10 năm có khả năng chết sớm hơn những người ăn một lượng nhỏ hơn. Những người ăn khoảng 4 ounces (1 ounce = 28,35g) thịt đỏ mỗi ngày có thể chết vì ung thư hoặc bệnh tim hơn những người ăn ít thịt đỏ nhất, khoảng 1/2 ounce ngày.
Một nghiên cứu khác theo dõi hơn 72.000 phụ nữ trong 18 năm thấy rằng những người có chế độ ăn theo phongcách phương Tây nhiều thịt đỏ và các loại thịt chế biến, món tráng miệng, các loại ngũ cốc tinh chế và các loại chiên kiểu Pháp đã có nguy cơ gia tăng bệnh tim, ung thư và chết từ các nguyên nhân khác.
“Sự liên kết giữa tiêu thụ các loại thịt đỏ và chế biến và ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng là rất chắc chắn”, Marji McCullough, nhà dịch tễ học dinh dưỡng đã nói.
Năm 2007, sau khi xem xét hệ thống lại các nghiên cứu khoa học, một nhóm chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện nghiên cứu ung thư Mỹ đã kết luận: “các loại thịt đỏ, chế biến là nguồn gây ra hoặc có thể gây ra một số bệnh ung thư” như ung thư đại trực tràng…
An Dương (T/h)