Áp dụng Lean và dấu ấn cải tiến thành công: Bài học từ Công ty cao su Dầu Tiếng

author 09:50 20/06/2020

(VietQ.vn) - Việc áp dụng các giải pháp cải tiến trong quá trình xây dựng mô hình điểm về áp dụng Lean đã góp phần giảm lãng phí, cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất trong doanh nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Từ năm 2012-2014, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến như Lean, TPM, KPI đã được áp dụng thành công tại các doanh nghiệp điểm được được lựa chọn từ những dự án nằm trong khuôn khổ chương trình quốc gia về nâng cao năng suất – chất lượng, điển hình nhất là Chương trình 712 (Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020). Một trong số đó là nhiệm vụ “Xây dựng mô hình nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý tinh gọn Lean; Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể TPM, và Chỉ số hiệu năng chính KPI” nhằm xây dựng ba mô hình nhân rộng là Hệ thống quản lý tinh gọn LEAN; Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể TPM; Chỉ số hoạt động chính – KPI cho các doanh nghiệp do Viện Năng suất Việt Nam triển khai.

Chuyên gia tư vấn của VNPI khảo sát lãng phí trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp. 

Cụ thể, trong dự án, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ là 180 doanh nghiệp, trong đó 150 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn LEAN (20% doanh nghiệp nhỏ, 20% doanh nghiệp lớn và 60% doanh nghiệp có quy mô vừa).

Đánh giá hiệu quả chung, việc áp dụng các giải pháp cải tiến trong quá trình xây dựng mô hình điểm về áp dụng LEAN đã góp phần giảm lãng phí, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. Cụ thể hơn, khoảng 300 lượt cho cán bộ công nhân viên cũng được trang bị kiến thức về nguyên tắc thực hiện Lean, các bước thực hiện dự án cải tiến theo phương pháp LEAN các công cụ để thực hiện các giải pháp, tiêu chuẩn hóa các giải pháp cải tiến. Bên cạnh đó, giải pháp cải tiến cũng góp phần giảm giá trị tồn kho, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng khách hàng. Hầu hết công ty đều có những đánh giá ban đầu về hiệu quả tài chính.

Một trong những dự án LEAN thành công là dự án tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thu mua mủ tiểu điền, chế biến và tiêu thụ sản phảm cao su sơ chế; khai thác, chế biến, kinh doanh sản phẩm gỗ; liên doanh, liên kết xây dựng khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh một số ngành nghề khác.

Dự án LEAN được thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng, 06 dự án cải tiến tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, trong đó dự án ngắn nhất chỉ thực hiện trong khoảng 1 tuần nhưng đều đạt được những kết quả cụ thể đo đếm, đánh giá được là một trong những doanh nghiệp thành công tiêu biểu khi triển khai nhân rộng áp dụng Quản lý tinh gọn LEAN tại các doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai dự án, đội ngũ CBNV đã được đào tạo, trang bị kiến thức về LEAN. Các nhóm cải tiến theo LEAN cũng đã được thành lập để tiến hành các dự án cải tiến và thu được nhiều kết quả tích cực. Chẳng hạn như, dự án “Cải tiến quá trình đầu ca sản xuất” đã giảm thời gian chờ đợi của công nhân từ 103 phút xuống còn 78 phút (tiết kiệm được 25 phút (24,27%); dự án “ Cải tiến quy trình quản lý kho mủ thành phẩm” đã giảm 28,6% thời gian tìm kiếm lô hàng (mục tiêu giảm 20%), tiết kiệm 650 lít nguyên liệu/năm. Bên cạnh đó, dự án cũng phần giảm sự phàn nàn của khách hàng, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.

Kết quả đáng kể tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khi triển khai, áp dụng LEAN cho thấy cụ thể:

Cải tiến qui trình quản lý kho mủ thành phẩm tại Nhà máy Bến Súc: Với mục tiêu giảm 20% thời gian tìm kiếm hàng trong kho, từ 105 phút xuống còn 84 phút. Kết quả đạt được iảm 28,6 % thời gian tìm kiếm hàng trong kho từ 105 phút xuống còn 75 phút; Tiết kiệm tiền dầu 11 triệu/năm; Chi phí cải tiến: 0 đồng.

Cải tiến qui trình sửa chữa thiết bị tại Nhà máy Long Hoà: Mục tiêu giảm 50% thời gian tìm kiếm công cụ sửa chữa thiết bị, từ 318 giây xuống còn 159 giây. Kết quả đạt được: Giảm 81,7% thời gian tìm kiếm công cụ sửa chữa thiết bị, từ 318 giây xuống còn 58 giây.

Cải tiến qui trình chuẩn bị đầu ca sản xuất tại Nhà máy Phú Bình: Mục tiêu giảm thời gian xả nước xuống ba bể từ 103 phút xuống còn 80 phút' Giảm thời gian xả nước xuống ba bể từ 103 phút xuống còn 78 phút

Cải tiến qui trình thu hoạch mủ tại vườn cây tại Phòng kỹ thuật nông nghiệp: Giảm thời gian thu hoạch mủ tại vườn cây của công nhân từ 384 phút xuống còn 344 phút; Giảm thời gian thu hoạch mủ tại vườn cây của công nhân từ 384 phút xuống còn 320 phút.

Cải tiến qui trình thử nghiệm chỉ tiêu hàm lượng tạp chất cao su khối tại Phòng Quản lý chất lượng, kết quả giảm 50% thời gian thử nghiệm chỉ tiêu hàm lượng tạp chất cao su khối, từ 5h xuống còn 2,5h; Giảm 50% điện năng tiêu thụ cho khâu thử nghiệm.

Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, với phần lớn doanh nghiệp trong dự án, việc triển khai dự án LEAN thành công là thành quả đáng tự hào, đem lại những lợi ích đáng kể, song việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng không phải là điều dễ dàng.

Do đó, để các dự án thành công, vấn đề cốt lõi là xây dựng và phát triển được đội ngũ chuyên gia cải tiến có trình độ và kỹ năng cần thiết để tiến hành các dự án cải tiến bài bản và đạt hiệu quả. Cán bộ tại doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, trang bị các kiến thức về hệ thống sản xuất tinh gọn, công cụ cải tiến, hiểu được lợi ích, sự cần thiết áp dụng cũng như biết cách tổ chức, triển khai dự án như nào… Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần khích lệ, động viên cán bộ công nhân viên để họ có động lực. Từ đó, họ mới có thể chủ động trong các hoạt động cải tiến để tạo nên sự thay đổi dù lớn hay nhỏ, chuyên gia Viện Năng suất nhấn mạnh.

 

LEAN là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và cho phép cải thiện năng suất và chất lượng cho quá trình tạo sản phẩm nhờ giảm thiểu tình trạng sai lỗi và các lãng phí. LEAN cho khả năng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, trong đó có cả việc tăng năng suất lao động, hiệu suất quá trình tạo sản phẩm thông qua việc giảm các lãng phía: chờ đợi (giữa người-người; giữa người-máy móc), giảm di chuyển, giảm các thao tác thừa trong quá trình làm việc/ vận hành, tồn kho trên chuyền, quy trình không phù hợp và lãng phí về hàng sai hỏng… Thông qua việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn, doanh nghiệp hoàn toàn xác định được những điểm quan trọng trong từng quá trình sản xuất để từ đó xác định được giải pháp thích hợp, kể cả việc đánh giá rủi ro nhằm giảm nguồn lực không cần thiết cho các hoạt động không phải là then chốt và không tạo giá trị mang lại cho khách hàng.

 

Lean - phương pháp giúp DN phát triển theo hướng tinh gọn và hiệu quả trong mùa dịch Covid-19(VietQ.vn) - Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn để phục hồi và tăng trưởng năng suất. Trong đó, việc ứng dụng các giải pháp cải tiến giúp tinh gọn nguồn nhân lực, giảm thiểu các lãng phí và nâng cao năng suất cho người lao động là việc làm cần thiết và cần thực hiện ngay.


Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang