Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Nhận diện ‘điểm nghẽn’ cần tháo gỡ

author 13:12 28/06/2022

(VietQ.vn) - Song song với những thuận lợi, doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như năng lực và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cơ sở hạ tầng và khung khổ pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện đồng bộ…

Lợi ích bền vững

Thời gian qua, mô hình kinh tế tuần hoàn đang từng bước tỏ rõ lợi thế so với mô hình kinh tế truyền thống. Cụ thể, mô hình kinh tế truyền thống dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, sau quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh chất thải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 

Theo Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

“Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường nhận định, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích như cơ chế hỗ trợ, tránh các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, gia tăng lợi nhuận... Hơn nữa, đây cũng là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, vì vậy doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện, hoặc sáng tạo dựa trên những nền tảng sẵn có.

Còn nhiều thách thức

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa.

Song song với những thuận lợi, doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Một khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện nay việc thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn trong doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp; khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như năng lực và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cơ sở hạ tầng và khung khổ pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện đồng bộ…

Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh cũng cho biết, có sự bất cập về cơ chế chính sách, điển hình giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,… Nguyên nhân do nội dung kinh tế tuần hoàn mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường trong khi các luật khác đã ban hành trước đây và nay đang trong quá trình bổ sung hoàn thiện. Do đó, chưa có bộ tiêu chí để nhận dạng thế nào là mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tiếp theo, việc áp dụng công nghệ mới để xử lý tái chế, biến rác thải, thải bỏ thành nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất khác cũng là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp bởi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư mạnh. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng rất cần những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn đóng vai trò như “người dẫn đường” giúp doanh nghiệp định hướng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự được chú trọng và phát huy hiệu quả.

Minh Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang