Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam là hành vi lừa dối người dùng

author 15:38 28/06/2019

(VietQ.vn) - Asanzo nhập hàng nguyên chiếc có xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó xé tem mác hoặc dán chồng nhãn Việt Nam là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Mới đây, thông tin liên quan đến Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập thiết bị điện tử tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam đang gây xôn xao dư luận.

Về sự việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.

Dưới góc độ người tiêu dùng, Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Long - Blogger Truyền thông xã hội để hiểu hơn về vấn đề này.

 Ông Nguyễn Ngọc Long - Blogger Truyền thông xã hội

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông bình luận như thế nào về việc Asanzo nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Vietnam"?

Tôi nghĩ, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, nếu họ nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc có xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó xé tem mác hoặc dán chồng tem nhãn “Made in Vietnam” thì là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Thứ hai, nếu Asanzo họ không nhập khẩu nguyên chiếc mà chỉ nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, hoặc các quốc gia khác rồi dán “Made in Vietnam” lên linh kiện hoặc sản phẩm cuối cùng thì việc kết luận hành vi lừa dối người tiêu dùng phải chiếu theo các quy định về pháp luật liên quan.

Theo tôi được biết, hiện tại Hải Quan và Bộ Công Thương nói rằng chưa có quy định rõ ràng về việc dán tem nhãn “Made in Vietnam”. Dưới góc độ đạo đức kinh doanh, động thái của Asanzo không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Nếu Asanzo thực sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa của mình thì không nên làm việc đánh cháo tem nhãn như vậy.

Lấy ví dụ về một đất nước gần Việt Nam nhất là Thái Lan, họ có những quy định rõ ràng trong việc quy định xuất xứ hàng hóa. Họ nghiêm cấm hành vi nhập khẩu linh kiện của nước thứ 3 và đánh cháo nguồn gốc, xuất xứ, xé và chèn tem nhãn như vậy!

Nói chung, dưới góc độ người tiêu dùng thì đây là việc làm không thể chấp nhận được. Người tiêu dùng có quyền đặt những câu hỏi về chất lượng hàng hóa và những quy chuẩn khác của doanh nghiệp đã thực hiện.

Việc CEO Phạm Văn Tam trả lời báo chí và thừa nhận sản phẩm của Asanzo không phải "made in Vietnam" ở thời điểm hiện tại là cách giải quyết khủng hoảng truyền thông đúng đắn?

Nếu nói đến khía cạnh giải quyết khủng hoảng truyền thông thì một quy tắc “bất di bất dịch” là sai ở đâu, xử lý ở đó.

Tôi cho rằng, nếu họ đã sai trong việc đánh tráo tem nhãn, lập lờ xuất xứ nguồn gốc thì cách CEO Phạm Văn Tam nói sản phẩm của họ không phải là “Made in Việt Nam” là động thái khôn ngoan, nên làm ở thời điểm này.

Tất nhiên, việc làm này không thể giải quyết mọi gốc rễ của vấn đề nhưng cũng làm cho người tiêu dùng thấy thiện chí của Asanzo.

Từ câu chuyện Asanzo, đâu là bài học mà doanh nghiệp cần phải rút ra?

Qua câu chuyện của Asanzo, bài học kinh nghiệm mà các doanh nghiệp phải nhớ đó là sự trung thực. Là doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu thì sự trung thực cần đặt lên hàng đầu. Sự trung thực phải nằm trong máu, tim, suy nghĩ của chủ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một một bài học nữa rất quan trọng, đó là sự am hiểu. Đọc những bài trả lời phỏng vấn của CEO Phạm Văn Tam trước báo chí tôi thấy có sự lơ mơ về pháp luật. Bởi Asanzo là một doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí ông Tam (một trong những Shark) ngồi ghế nóng chương trình Thương vụ bạc tỷ để truyền kinh nghiệm, hướng dẫn cho các bạn trẻ khởi nghiệp… việc nắm rõ quy định của pháp luật là điều đương nhiên.

Tôi nghĩ, đây là bài học lớn không chỉ ở Asanzo, mà các cho các bạn trẻ khi khởi nghiệp. Khi bắt đầu làm kinh doanh, các bạn trẻ chỉ quan tâm vấn đề lãi/lỗ, marketing, sản phẩm… nhưng vấn đề am hiểu luật pháp chưa được đặt lên trên.  

Ở các doanh nghiệp lớn, họ đều có bộ phận pháp chế và bộ phận này chịu trách nhiệm về mặt pháp luận. Nếu doanh nghiệp chưa đủ lớn thì vẫn có những trung tâm, cơ sở thứ 3 tư vấn luật. Chúng ta nên làm đúng, đủ ngay từ đâu tránh mọi việc vỡ lở mới đi sửa sẽ rất khó.

Ông bình luận gì về việc Shunhouse của Shark Phú cũng bị nghi vấn nhập khẩu hàng Trung Quốc sau vụ việc Asanzo?

Theo tôi được biết, các sản phẩm của Shunhouse họ chia ra thành 2 nhóm: nhập khẩu từ Trung Quốc, họ đặt hàng các đơn vị bên đó gia công (thuật ngữ OEMODN). Khi mà nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, họ ghi đúng xuất xứ hàng hóa là “Made in China” thì không có vấn đề gì.

Trường hợp thứ 2, có những sản phẩm họ sản xuất tại Việt Nam (hoặc một phần tại Việt Nam) nhưng đảm bảo tiêu chí trên 30% linh kiện là tại Việt Nam và khâu thành phẩm trong nước thì họ có quyền ghi “Made in Vietnam”.

Câu chuyện bên Shunshoue, tôi nghĩ khác với Asanzo. Tuy nhiên, ngành hàng tiêu dùng có số lượng nhiều. Thế nên, chúng ta phải truy xuất xuất xứ của từng mặt hàng.

Khi Asanzo bị “sờ gáy” thì không chỉ Shunhose, nhiều thương hiệu trong ngành gia dụng cũng bị liên đới. Tuy nhiên, hiện tại chưa phải thời điểm để đưa ra nhận xét, đánh đồng tất cả mà phải đợi xem cơn bão này càn quét tới đâu?

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Thúy Ngân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang