Australia rà soát thuế chống bán phá giá sản phẩm nhôm định hình của Việt Nam

author 14:17 22/09/2021

(VietQ.vn) - Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa khởi xướng rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia (mã vụ việc 591).

Theo đó, ADC sẽ quyết định tiếp tục hoặc không tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát. Cụ thể, nguyên đơn vụ việc là Công ty TNHH Capral. Hàng hóa bị điều tra trong thông báo của ADC là nhôm định hình được phân loại theo mã HS 7604.10.00; 7604.21.00; 7604.29.00; 7608.10.00; 7608.20.00; 7610.10.00; 7610.90.00.

Giai đoạn rà soát từ 01/07/2020 đến 30/06/2021. Thời hạn đưa ra ý kiến bình luận chậm nhất vào ngày 22/10/2021. Ngày muộn nhất ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF) là 04/01/2022.

Theo kết quả của lần rà soát hành chính gần nhất của ADC, hiện tại sản phẩm nhôm định từ Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá do có biên độ bán phá phá giá không đáng kể (1,9%), trong khi hàng hóa xuất khẩu từ Malaysia bị áp thuế chống bán phá giá từ 0% đến 10,7%.

Các đệ trình liên quan tới dữ kiện trọng yếu (SEF) sẽ được tiếp nhận trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF. Ngày muộn nhất ban hành kết luận cuối cùng của ADC là 17/02/2022. Ngày Bộ trưởng chính thức ra quyết định (dự kiến) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận cuối cùng của ADC.

Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa khởi xướng rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia. Ảnh minh họa

Để chủ động ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan cần liên lạc với ADC để đăng ký tham gia vụ việc và đưa ra ý kiến liên quan (nếu có) đúng thời hạn quy định. Đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu (bản công khai); hợp tác với ADC trong suốt quá trình rà soát theo đúng yêu cầu của ADC cũng như liên hệ và cập nhật thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Liên quan tới sản phẩm nhôm định hình, từ năm 2017, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã gây ra hiện tượng dư nguồn cung tại Trung Quốc, một lượng rất lớn nhôm định hình bị tồn kho vì không thể xuất khẩu sang Mỹ. Và lượng lớn nhôm Trung Quốc chuyển tải sang Việt Nam để tiêu thụ. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mất đi thị phần, sản lượng giảm 40-50%; máy móc “đắp chiếu”, công nhân mất việc làm…

Nhằm ngăn chặn tình trạng nhôm Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ngay từ năm 2018, Hiệp hội đã lập hồ sơ kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) điều tra bán phá giá đối với nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi điều tra, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 2,49% đến 35,58%.

Hội cũng đã tích cực triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn ngành nhôm dựa trên tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và các tiêu chuẩn mới nhất của thế giới; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách giá, cũng như chính sách phát triển ngành nhôm Việt.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang