Có tên trong hồ sơ Panama: CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo nói gì?

author 13:59 10/05/2016

(VietQ.vn) - CEO tỷ đô của Vietjet – bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những cái tên được nhắc đến trong hồ sơ Panama.

Tin tức trên báo Trí thức trẻ cho hay, trong danh sách các cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong cơ sở dữ liệu về hơn 200.000 công ty vỏ bọc do Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đăng tải, đã cho thấy 1 số cái tên quen thuộc ở Việt Nam như bà Đàm Bích Thủy - nguyên CEO ngân hàng ANZ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - lãnh đạo của tập đoàn Sovico và đồng thời là TGĐ hãng hàng không đình đám Vietjet Air, Ông Nguyễn Thanh Hùng - tập đoàn Sovico.

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo có tên trong hồ sơ Panama

 Trả lời báo Trí thức trẻ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết về việc tại sao tên mình xuất hiện trong cơ sở dữ liệu này:

"Năm 2005, chúng tôi là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort) Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch,phù hợp với luật pháp nước sở tại.

Công ty Furama đã có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới. Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng thì cũng xuất hiện theo.

Tôi không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama của còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Vietnam, cũng như tên một số các cá nhân khác, do các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau."

Trong một diễn biến khác, sáng nay, Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đã lên tiếng về vụ việc.

 Trao đổi với Báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phạm Trọng Đạt cho biết: TTCP vẫn nắm bắt, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan tới các cá nhân người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama mà Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan chiều tối ngày 95 theo giờ Việt Nam.

Ông Đạt cho biết thêm còn việc vào cuộc hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp Trung ương, vì phải phối hợp với rất nhiều lực lượng. Trước kia chưa từng làm một vụ tương tự như hồ sơ Panama.

Nhận định về việc có nhiều cái tên cá nhân, địa chỉ từ Việt Nam, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng thông tin cần phải có nguồn cung cấp mới vào cuộc xác minh, điều tra. “Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được” - ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.

Trước đó, vào 2h sáng ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam), Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan tới vụ Hồ sơ Panama .

Đáng chú ý, trong số các tài liệu đã được công khai trên trang offshoreleaks.icij.org Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

>> Bí thư Đinh La Thăng: ‘Mười mấy năm rồi mà quà tết chỉ 200.000 đồng là quá lạc hậu’

Lâm Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang