Bà Rịa - Vũng Tàu: Ô nhiễm vượt tầm kiểm soát

author 16:50 17/05/2012

Rất nhiều cơ sở chế biến có nước thải qua xử lí chưa đủ tiêu chuẩn hoặc xả thẳng trực tiếp ra môi trường bên ngoài vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng đời sống người dân.

Ô nhiễm tràn lan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 178 cơ sở chế biến hải sản, bao gồm 32 cơ sở chế biến hàng khô, 15 cơ sở chế biến bột cá, 31 cơ sở chế biến nước mắm và 38 cơ sở chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu. Trong đó, 69 cơ sở quy mô lớn đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chiếm 38,76%.
 
Tuy nhiên mới có 15 trong số 69 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường, còn lại 52 cơ sở chưa đạt tất cả các chỉ tiêu qui chuẩn xả thải. Như vậy, số cơ sở chế biến có nước thải qua xử lý chưa đủ tiêu chuẩn hoặc vẫn xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường còn chiếm tỉ lệ rất lớn, tới gần 70%. Hàng năm, vẫn còn hàng chục ngàn m3 nước thải từ chế biến hải sản chưa đủ tiêu chuẩn xả thải hoặc chưa được xử lý vẫn được tống thẳng ra môi trường.
 
Trong chuyến giám sát thực tế vừa qua của Đoàn đại biểu HĐND tỉnh, tại tất cả các nơi đoàn đến, tình trạng ô nhiễm môi trường đều đang rất nghiêm trọng và vượt tầm kiểm soát. Huyện Long Điền là địa bàn có số lượng cơ sở chế biến hải sản nhiều nhất tỉnh với 68 cơ sở, kế đến là TP. Vũng Tàu với 59 cơ sở; Tân Thành có 22 cơ sở; Đất Đỏ, Xuyên Mộc mỗi huyện có 11 cơ sở, thị xã Bà Rịa có 7 cơ sở. Huyện Long Điền cũng là nơi có nhiều cơ sở chế biến hải sản chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhất. Hiện mới chỉ có 26/68 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
 
Một cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Một cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
 
Trong đó chỉ 1 cơ sở có nước thải sau xử lý đạt giới hạn cho phép theo qui chuẩn môi trường, còn lại 24 cơ sở có nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Tựu chung còn có tới 67 cơ sở vẫn đang gây ô nhiễm. TP. Vũng Tàu cũng mới có 33/59 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chỉ 2 trong số 33 cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt chuẩn. Huyện Tân Thành có nhiều cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn nhất với 12 cơ sở đảm bảo xử lý nước thải đạt giới hạn cho phép trên tổng số 22 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải.
 
Các địa phương như: thị xã Bà Rịa có 4/7 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải; Đất Đỏ có 7/11 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý; Xuyên Mộc mới có 1/11 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng tất cả nước thải của các cơ sở này sau khi xử lý đều không đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
 
Nhận xét về toàn cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ông Trần Văn Một - Phó Ban kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Sau những buổi làm việc ở các sở, huyện và TP. Vũng Tàu, bối cảnh môi trường chế biến hải sản của các địa phương gần giống như nhau. Qua nhiều đời, nhiều thế hệ, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng”.
 
Tồn tại nhiều "điểm nóng"
 
TP Vũng Tàu - một địa bàn có nghề chế biến hải sản là nghề truyền thống lâu đời và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hiện nay, thêm ngành kinh tế du lịch cũng được chọn là một mũi nhọn của thành phố, thế nhưng lâu nay, trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều cơ sở chưa đảm bảo tiêu chuẩn về xử lý môi trường. Hiện với 59 cơ sở chế biến, nhưng chỉ 2 cơ sở được đánh giá là đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, còn lại 57 cơ sở không đạt.
 
Theo báo cáo của UBND TP. Vũng Tàu, qua kiểm tra thực tế, hầu hết các cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các qui định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP. Vũng Tàu, cho biết thêm:  “Vi phạm hành chính về MT tập trung một số nội dung như: không làm đúng theo cam kết bảo vệ MT trước đây đã cam kết; không báo cáo giám sát định kỳ 6 tháng, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thải nước thải vượt tiêu chuẩn hoặc khí thải có mùi vượt chuẩn qui chuẩn”.
 
Địa bàn tập trung nhiều cơ sở nhất là Phường 12 với 33 cơ sở; và đây cũng là địa bàn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài từ nhiều năm qua. Ông Vũ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND phường 12, cho biết: “Nghiêm trọng nhất là ô nhiễm do nước thải từ chế biến từ những năm 90-91 trở về đây, qua mười mấy năm không xử lý, bây giờ để lại hậu quả rất nặng nề. Nặng nhất là khu vực Cây Khế. Mùa gió chướng, luồng gió thổi thẳng vào UBND phường, chúng tôi ngồi làm việc mà không thể chịu nổi”.
 
Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu công an tỉnh, đề xuất Sở TNMT đưa 22 DN vào danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng nói là hiện nay, tại TP. Vũng Tàu, tình trạng xây dựng trái phép các cơ sở chế biến, gia công hải sản vẫn diễn ra và với các cơ sở này, chắc chắn không có hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến ô nhiễm ngày càng khó kiểm soát.
 
Tương tự, Tân Thành cũng đã và đang phải đối mặt với ô nhiễm từ chế biến hải sản. Trên địa bàn toàn huyện có 23 cơ sở chế biến hải sản, chủ yếu tập trung tại địa bàn Tân Hải. Mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực trong kiểm tra giám sát các cơ sở chế biến nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn gia tăng.
 
Xuyên Mộc tuy không tập trung nhiều cơ sở như Tân Thành, Long Điền, hay TP. Vũng Tàu nhưng ô nhiễm môi trường từ Công ty TNHH Hwang Kyung Vina Bình Châu cũng là vấn đề nóng kéo dài từ nhiều năm qua. Đây là nhà máy chế biến hải sản được xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2004, công suất 360 tấn/tháng.
 
Nhà máy đã hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, công ty không đảm bảo việc xử lý nước thải. Hơn nữa thời điểm trước đây khi mới xây dựng nhà máy, toàn bộ khu vực xung quanh là đất trống nên nước thải từ nhà máy thải ra môi trường ít ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những năm sau này, dân cư sinh sống quanh khu vực nhà máy đông đúc, nước thải từ nhà máy không có lối thoát, ứ đọng lại, càng làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng…
 
Các địa phương còn lại, hễ nơi nào có hoạt động chế biến thì nơi đó ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường. Qua nhiều năm theo dõi, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ chế biến hải sản, ông Lê Tôi Sủng - Phó giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vững Tàu, phải thốt lên: “Có lẽ chỉ khi nào không còn cơ sở chế biến hải sản nào hoạt động nữa thì mới hết ô nhiễm...".
 
Theo DĐDN
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang