Bắc Giang: Bánh, kẹo không rõ nguồn gốc bày bán công khai dịp tết Trung thu
Cảnh báo nguy hiểm của bức xạ phát ra từ điện thoại di động
Bản tin Cảnh báo: Cẩn trọng nguyên liệu làm bánh trung thu ‘3 không’
Đà Nẵng: Cảnh báo loại ma túy mới đội lốt cà phê, bánh kẹo
Cứ vào dịp Trung thu hằng năm, nhu cầu sử dụng bánh kẹo tăng cao nên thị trường khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng cần cảnh giác với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái và không có nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ghi nhận, tại các cửa hàng bánh kẹo, tạp hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang bày bán rất nhiều loại bánh kẹo với đa dạng mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng và giá cả. Tuy nhiên, không ít trong đó là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán công khai.
Khảo sát tại một cửa hàng ở phố Sàn, thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) một số loại bánh kẹo được đặt trên kệ bày bán song trên bao bì chỉ thấy ghi chữ nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt. Điều này vi phạm quy định về nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm nước ngoài được lưu hành tại Việt Nam.
Bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, không ghi rõ nhãn mác bằng tiếng Việt bày bán tại nhiều cửa hàng ở Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang
Do không có nhãn phụ nên ngày sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng và các thành phần, chất dinh dưỡng trong sản phẩm cũng khá mập mờ. Đáng nói, mặc dù được giới thiệu là hàng nhập khẩu nhưng giá các sản phẩm này khá rẻ, khiến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng.
Một số bánh, kẹo, thạch được bán tại đây có màu sắc sặc sỡ, thu hút sự quan tâm của trẻ em. Nhìn bằng mắt thường người tiêu dùng khó tin tưởng về chất lượng bởi bao bì, nhãn mác không rõ nét, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, tại một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Mỹ Thái (Lạng Giang) cũng bày bán khá nhiều loại bánh, kẹo, thạch, bim bim chỉ in chữ nước ngoài. Liên quan đến thị trường bánh Trung thu, bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Bảo Ngọc… cũng không hiếm các thương hiệu “lạ”, giá rẻ (chưa bằng một nửa so với các thương hiệu kể trên).
Chủ một cửa hàng mua sắm tự chọn ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên) cho biết, các mặt hàng bánh Trung thu năm nay khá đa dạng về mẫu mã, có nhiều mức giá cho khách lựa chọn. Ngoài các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, cửa hàng còn bán các loại bánh do cơ sở sản xuất nhỏ, gia công với giá phải chăng.
Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm do có thể trộn bánh, kẹo đã hết hạn sử dụng hoặc hàng kém chất lượng. Ngoài ra, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc có nguy cơ nhiễm chất độc, nhiễm vi sinh. Do đó, sử dụng các sản phẩm này sẽ tăng nguy cơ bị ngộ độc hoặc bệnh cấp tính như tiêu chảy cho người sử dụng.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu, tăng đột biến. Một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/TP HCM, TP Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố….
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
An Dương (T/h)