Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ về KH&CN
Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ
Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngành Ngân hàng khai trương Cổng Thông tin Khoa học và Công nghệ
Tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 3 nhà khoa học xuất sắc
Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII về lĩnh vực KH&CN”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên và đại diện các bộ, ban ngành; các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN luôn chủ động phối hợp với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt các hoạt động KH&CN. Một trong những nội dung quan trọng đó là triển khai các nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề khó khăn của địa phương. Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trên 52 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vải thiều Lục Ngạn”; nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”; nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng”. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương như: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hợp tác với Bắc Giang triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN nhằm huy động nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN cho địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo khoa học
"Bắc Giang cần tiếp tục đầu tư cho phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học,… để phục vụ đời sống sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng các quy trình, công nghệ mới trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; vấn đề công nghệ xử lý môi trường, chế biến nông lâm sản để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống nhân dân", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện nay Bộ đang hỗ trợ tỉnh một số hoạt động cụ thể: chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến vải thiều tươi, một số loại quả khác bằng công nghệ Juran của Israel; nghiên cứu, chọn tạo một số giống lạc chịu hạn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất giống gà, giống khoai tây bằng công nghệ khí canh; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trong canh tác vải thiều, cam Canh Lục Ngạn,… Thứ trưởng cũng thông báo việc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội hiện có thể đảm nhận chiếu xạ cho một số loại quả, trong đó có vải thiều Bắc Giang trước khi xuất khẩu.
Thứ trưởng tin tưởng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, hoạt động KH&CN của tỉnh Bắc Giang ngày càng có nhiều kết quả trong sự phát triển chung về lĩnh vực KH&CN của cả nước.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, cơ quan này đã phối hợp với Sở NN & PTNT Bắc Giang xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết, chuyển giao công nghệ; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh; rà soát, đánh giá lại hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ; thực hiện thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất chất lượng ở một số lĩnh vực của tỉnh,...
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII về lĩnh vực KH&CN” do Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Đánh giá về kết quả hoạt động năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, ông Kiên cho hay, Sở KH&CN đang triển khai 9 dự án KH&CN cấp quốc gia với kinh phí trên 39 tỷ đồng. Một số đề tài, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích canh tác như: chè, cam Yên Thế, khoai tây Yên Dũng, dược liệu Lục Nam,… Được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai 03 nhiệm vụ gồm: đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ Juran (Israel) bảo quản quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu; đề tài bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bồ Đà; đề tài tuyển chọn một số giống lạc chịu hạn năng suất.
Về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tính đến hết tháng 11/2015, toàn tỉnh có 902 đơn xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 554 nhãn hiệu hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đăng ký bảo hộ tại 09 quốc gia, đến tháng 3/2016 đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 05 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Cămpuchia) và đang trong quá trình theo dõi, xét đơn tại 04 quốc gia (Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore).
Trong công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tính đến tháng 3/2016, toàn tỉnh có hơn 50 cơ quan xây dựng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008; hỗ trợ kinh phí cho 16 doanh nghiệp có sản phẩm được chứng nhận hợp chuẩn đạt Giải thưởng Châu Á – Thái Bình Dương và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; phát hiện 98/221 sản phẩm sai phạm về chất lượng; xây dựng kế hoạch trưng bày hàng đối chứng hàng thật, hàng giả,…
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh đặt hàng Bộ KH&CN nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; tiếp tục xây dựng một số thương hiệu sản phẩm mới của địa phương; giới thiệu các doanh nghiệp tiếp cận các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia,… nhằm đưa hoạt động KH&CN sẽ là động lực, chìa khóa thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Hồng Anh - Tuấn Hiệp