Bắc Kạn tiêu huỷ hơn 6000 đơn vị dầu gội đầu, kem đánh răng và nước xả vải giả mạo nhãn hiệu

author 15:29 29/06/2023

(VietQ.vn) - Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn vừa tiến hành tiêu hủy hơn 6000 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm dầu gội đầu, kem xả tóc, kem đánh răng, nước xả vải.

Tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, Đội QLTT 3 đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính với ông Nguyễn Văn Thời (trú tại: Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) với hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hơn 6.000 đơn vị sản phẩm dầu gội đầu có nhãn “Sunsilk”, “Dove”, “Rejoice”, “Xmen”, “Romano”, “Clear”; các loại kem đánh răng có nhãn “P/S trà xanh”, “P/S ngừa sâu răng”, “P/S bảo vệ 123”, “Closeup”; nước xả vãi nhãn “Comfort”; tổng trị giá hàng hoá vi phạm trên 12 triệu đồng.

Qua quá trình xác minh với đại diện sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu trên tại Việt Nam, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Văn Thời và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm.

Việc xử lý vi phạm hành chính và tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn hiệu và người tiêu dùng trên địa bàn; đồng thời có tính tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá.

 Lượng lớn dầu gội đầu, kem đánh răng, nước xả vài giả mạo nhãn hiệu bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn

Tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm vào quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang