Bắc Ninh tạm giữ lô thuốc lá, rượu bia phục vụ tết Nguyên đán 2025 có dấu hiệu nhập lậu

author 16:52 26/12/2024

(VietQ.vn) - Trong quá trinh kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa thị trường dịp trước Tết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và tạm giữ lô thuốc lá, rượu bia nhập lậu.

Thực hiện sự chỉ đạo, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh N.T.T.H 2, có địa chỉ tại đường Ngọc Hân Công Chúa, phường Tiền Ninh Vệ, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh N.T.T.H 2 đang kinh doanh 1.170 bao thuốc lá điếu, 400 gói/hộp trà, 240 lon bia TSINGTAO và 2.000 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu, với tổng trị giá 755.260.000 đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh N.T.T.H 2 không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá. Đội QLTT số 3 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua quá trình đấu tranh, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T.T.H 2 với số tiền phạt là 150 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định của pháp luật.

Bắc Ninh thu giữ lượng lớn hàng hóa nhập lậu phục vụ tết. Ảnh: Cục QLTT Bắc Ninh

Đề cập tới tác hại khi sử dụng phải rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết từng phải cấp cứu cho nhiều bệnh nhân ngộ độc vì rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những loại rượu chưa được kiểm định này vẫn tràn lan ở thị trường với “mác” rượu quê, rượu dân tộc…nhưng việc quản lý dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý, trong đó cụ thể là thanh tra Bộ Y tế trong việc kiểm tra chất lượng rượu. Thanh tra Bộ Tài chính trong việc kiểm tra tem thuế, và cuối cùng là lực lượng quản lý thị trường trong việc quản lý rượu lưu thông trên thị trường.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, pháp luật chưa đưa ra khái niệm như thế nào là rượu giả. Tuy nhiên, dưới góc độ của Luật Sở hữu trí tuệ đã có những quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo quy định khoản 1, Điều 213, Luật SHTT 2005 được sửa đổi bởi khoản 79, Điều 1, Luật SHTT sửa đổi 2022 nêu rõ, hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm: Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu.

Đồng thời, tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định, hàng giả là hàng hóa có những điểm như: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không còn đúng với tự nhiên; giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức,...

Từ những quy định trên, có thể hiểu rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc là loại rượu được làm giả, làm nhái không được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, công dụng, tem, nhãn, bao bì và phá vỡ đặc tính lý hóa của rượu. Do đó hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh thương mại. Tùy thuộc vào mức độ, tính chất vi phạm mà người có hành vi bán rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang