Bác sĩ khuyến cáo: Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hoa đu đủ đực chữa khỏi ung thư

authorVân Thảo 16:46 13/08/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, hoa đu đủ đực có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe tuy nhiên người dân không nên tin tưởng loài hoa này có thể chữa khỏi ung thư vì chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tính hiệu quả của nó.

ThS Lê Quốc Thịnh- Giảng viên Khoa Dược trường Cao đẳng Y Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều người đang tin dùng hoa đu đủ đực chữa ung thư, cũng có những người vì niềm tin này mà phải trả giá, từ u nhỏ biến thành to và chuyển sang giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị...

ThS Lê Quốc Thịnh cũng khẳng định, hoa đu đủ rất tốt cho sức khỏe nhưng cần sử dụng đúng. Hoa đu đủ đực thường có màu trắng hoặc xanh, mọc thành từng cụm lớn và phân ra nhiều nhánh nhỏ. Hoa đu đủ giống đực khá hiếm.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hoa đu đủ đực và hoa đu đủ thường là ở các thành phần dưỡng chất có trong từng loại hoa. Hoa của cây đu đủ đực rất giàu thành phần beta - carotene, isothiocyanates, axit axetic, phenol, các chất chống oxy hóa và nhiều alcaloid, flavonoid…

Trong tất cả các bộ phận của cây đu đủ thì phần hoa chứa nhiều dược tính nhất (đu đủ đực không ra trái). Hoa thường được nhiều người dân ngâm cùng với mật ong để chữa ho cho trẻ nhỏ. Các nhà khoa học nghiên cứu loài hoa này có tác dụng ức chế tế bào ung bướu. Đặc biệt là bướu tuyến vú, u xơ tuyến tiền liệt và các loại ung bướu khác.

Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy dùng hoa đu đủ đực khỏi được ung thư. Ảnh minh họa

Thành phần dinh dưỡng của hoa đu đủ đực bao gồm: axit gallic, beta carotene, canxi, đạm, carbohydrate, phenol, phosphorus, vitamin A, vitamin B1, vitamin C, vitamin E và tannin. Nó có tác dụng hỗ kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường: đây là lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của hoa đu đủ đực. Uống nước sắc hoa đu đủ đực giúp làm tăng lượng insulin, nhờ đó ổn định đường huyết của bệnh nhân tiểu đường.

Hoa đu đủ đực còn có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa cholesterol. Trong hoa đu đủ đực có chứa vitamin A, vitamin C, vitamin E và folate (vitamin B9) có đặc tính chống oxy hóa, ngăn ngừa cholesterol và quá trình oxy hóa. Ngoài ra, các hoạt chất chống oxy hóa trong hoa đu đủ như beta carotene, phenol, axit gallic góp phần hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Beta carotene trong hoa còn có công dụng bổ máu, thông mạch, giúp điều hòa tim mạch và góp phần giữ sức khỏe trái tim.

"Hoa đu đủ đực kết hợp cùng lá và thân cây xạ đen, mỗi vị 40g. Sắc chung lấy nước uống hằng ngày sẽ giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh ung thư. Tuy nhiên, đối với các dược liệu chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nên khi có bệnh người dân cần đi khám và tuân thủ điều trị và có thể dùng thêm dược liệu như hoa đu đủ để hỗ trợ theo hướng dẫn của chuyên gia" - Ths. Thịnh nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Bá Đức- nguyên Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, trước thông tin nước sắc lá đu đủ, hoa đu đủ đực chữa khỏi ung th, người dân không nên tin vào phương pháp này mà tự đánh mất đi cơ hội sống.

Theo ông Đức, việc chữa ung thư bằng nước sắc lá đu đủ, hoa đu đủ là hoang tưởng, không có thật. Đây chỉ là dựa vào suy luận hết sức đơn giản mà không có cơ sở khoa học. Trên thực tế không ai chữa khỏi ung thư bằng đu đủ. Hơn nữa, đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu đủ đã được triển khai cách đây hàng chục năm nhưng đều thất bại. Và đến thời điểm này, chúng ta chưa có công bố chính thức nào. Hiệu quả của nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu không chính thức được công bố lẻ tẻ.

Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết- Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng lá và hoa đu đủ, đặc biệt là hoa đu đủ đực được xem là thần dược có tác dụng chữa nhiều loại ung thư khác nhau. Chúng tôi đã tra cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau gồm các đề tài, bài báo nghiên cứu trong và ngoài nước về lá và hoa đu đủ đực.

Kết quả cho thấy hầu như các nghiên cứu về ung thư trên hai bộ phận này đều là thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư được nuôi cấy bên ngoài cơ thể sống, chưa có nhiều nghiên cứu trên cơ thể động vật và đặc biệt không thấy các nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số nước có dùng hoa đu đủ để làm trà uống nhưng nhìn chung chưa thấy các nghiên cứu cung cấp bằng chứng về tác dụng trị liệu.

Chúng ta có thể sử dụng lá, hoa đu đủ như cách pha trà uống thông thường, theo liều 4-12 g/ngày trong một khoảng thời gian nhất định (không uống thay nước), cần thận trọng với một số đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai và người bị loét dạ dày, lưu ý không sử dụng trong thời gian quá dài vì vị đắng của hoa đu đủ có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của tỳ, vị. Khi sử dụng hoa đu đủ cho mục đích điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh thì cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia để có cách sử dụng phù hợp.

Bác sĩ Trần Đức Cảnh- Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng- Bệnh viện K cũng cho rằng, đu đủ đã được làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Lá cây đu đủ được sử dụng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Nước hãm từ rễ đã được sử dụng theo truyền thống trong điều trị các bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc. Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận. Hạt đu đủ cũng cho thấy có khả năng kháng khuẩn mạnh. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, khàn tiếng.

Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú. Và cho tới nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người.

Bác sĩ Cảnh khuyến cáo, ung thư biết sớm khả năng trị khỏi cao, không nên nghe theo các phương pháp dân gian trị bệnh từ lá để đánh mất thời điểm vàng điều trị bệnh.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang