Bài 3: Bóc trần quảng cáo chia sẻ ‘bí kíp’ chữa bệnh xương khớp nhờ viên khớp CHAKO

author 06:59 13/07/2021

(VietQ.vn) - Hàng chục video lợi dụng hình ảnh bệnh nhân để quảng cáo, chia sẻ “bí kíp” thoát khỏi bệnh xương khớp nhờ viên khớp CHAKO, được dàn dựng tinh vi là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Loạt video quảng cáo khó tin

Người xưa có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, được hiểu thuốc đắng mới có tác dụng tốt trong điều trị bệnh, lời nói thô thật, thẳng thắn thì dễ mất lòng nhau. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều tổ chức kinh doanh thực phẩm “bẩn” đã áp dụng và đưa ra nhiều hình thức quảng cáo với những lời hay, ý đẹp để lấy lòng người tiêu dùng.

Công ty TNHH Thương mại CGS Việt Nam (số 21, Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội) không nằm ngoại lệ khi sử dụng hàng loạt video giới thiệu bệnh nhân đều hết lời ngợi ca sản phẩm CHAKO với công dụng “trên trời” mà không có căn cứ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 Một video có dấu hiệu dàn dựng để quảng cáo trái quy định pháp luật của viên khớp CHAKO

Ví dụ video chị Hoàng Thị Thao (50 tuổi, Trực Ninh, tỉnh Nam Định) thể hiện chị bị đau xương khớp cách đây 5 năm, khi thời tiết thay đổi tay, chân sưng đỏ, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sỹ kết luận chị Thao bị viêm khớp dạng thấp. Mặc dù đã dùng nhiều thuốc xuất xứ Nhật, Mỹ chính hãng gửi về uống nhưng cũng chỉ thuyên giảm sau đó lại tái phát.

“Sau khi lên mạng tìm hiểu, tôi biết đến thuốc CHAKO. Tôi uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên, sau 1 tuần uống thuốc CHAKO tôi đã làm việc được, lưng không còn đau và ngủ ngon chứ không thức giấc như ngày xưa. Sau 1 tháng dùng CHAKO, bệnh xương khớp khỏi được 80%...”, chị Thao khẳng định.

Tương tự một đoạn quảng cáo khác về viên uống CHAKO khiến nhiều người cả tin dễ mắc lừa. 

Tương tự là video đăng tải về trường hợp bà Trần Thị Tuyết (52 tuổi, tỉnh Thái Bình) cũng được chia sẻ bị viêm đa khớp không đi lại, lao động nặng được, dù bà đã dùng nhiều thuốc tây không khỏi, tình cờ biết thuốc CHAKO nên mua về điều trị. Chỉ sau một, hai tuần đã thấy bệnh thuyên giảm và dần đi lại bình thường. Bà Tuyết khẳng định trong video: “Từ ngày uống thuốc này thấy giảm nhưng cũng có thể hết 100%”.

Thậm chí, trường hợp anh Lê Thanh Hùng (50 tuổi, TP.HCM) bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, đã sử dụng đông tây y kết hợp vật lý trị liệu nhưng không thuyên giảm. Tuy nhiên, chỉ sử dụng viên uống CHAKO 2 tháng bệnh tình giảm được 8 phần.  Điều đó khiến anh Hùng phải thốt lên rằng: “Tôi không nghĩ có một sản phẩm lại tốt như vậy”.

Bóc trần bản chất

Những video nêu trên chỉ là số ít trong hàng chục trường hợp khác được đăng tải công khai trên mạng để quảng cáo cho sản phẩm CHAKO. Theo ghi nhận của PV, hầu hết các video được đăng tải cùng chung một kịch bản, nội dung gần như giống hệt nhau, có chăng chỉ là khác nhân vật thể hiện. Đó là, những người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, lao động nặng và cùng bị bệnh xương khớp, tuy đã sử dụng thuốc tây để điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, chỉ khi dùng viên khớp CHAKO mới thoát khỏi căn bệnh xương khớp gặp phải.

Ngoài ra, video nào cũng không quên khẳng định: “Viên khớp CHAKO tăng hiệu quả gấp nhiều lần so với viên khớp thông thường. Đạt tác động điều trị nhanh nhất, mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất. Có hiệu quả trên cả những bệnh nhân mãn tính. Viên khớp CHAKO là bước đột phá mới trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, mở ra hy vọng cho người bệnh, tìm lại cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc”.

Thực chất những đoạn quảng cáo viên khớp CHAKO chữa bệnh xương khớp chỉ là lừa dối người tiêu dùng? 

Quả thực, các video được dựng khá chuyên nghiệp từ hình ảnh tới lời bình khiến không chỉ PV mà bất kỳ ai xem cũng không khỏi bất ngờ. Chỉ khi điều tra về viên khớp CHAKO PV mới nhận thấy đây chỉ là những “mánh” của tổ chức kinh doanh để bán hàng và thu lợi. Nhưng đáng thương cho số đông người bệnh vì nghe lời “mật ngọt”, tin vào những video trên sẵn sàng chi tiền mua CHAKO sử dụng mà không biết rằng sản phẩm này không phải là thuốc, không điều trị khỏi bệnh xương khớp và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Bởi, giấy công bố mà Cục ATTP – Bộ Y tế cấp cho Công ty CGS nêu rõ, viên khớp CHAKO là TPBVSK chỉ có tác dụng giúp bổ sung dưỡng chất cho khớp, hỗ trợ làm trơn ổ khớp, giúp khớp vận động linh hoạt, hỗ trợ tăng khả năng phục hồi khớp, chứ không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh như những gì video đăng tải.

Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc đăng tải hình ảnh, dựng video với danh nghĩa bệnh nhân để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang