Bài học tạo dựng văn hoá doanh nghiệp giữa đại dịch Covid-19

author 14:20 09/01/2022

(VietQ.vn) - Văn hóa mạnh cũng là yếu tố giữ chân nhân sự, khiến họ tình nguyện, sát cánh trong những giai đoạn khó khăn nhất và muốn gắn bó cùng doanh nghiệp cả đời.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, thích ứng linh hoạt để tiếp tục tồn tại và phát triển. Gần 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, một trong những bài học rút ra là tạo dựng văn hoá trong doanh nghiệp, điển hình là việc xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, chăm lo sức khỏe, an sinh cho người lao động, cũng như tăng sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động. 

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, khi bước sang trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp buộc phải giải bài toán làm mới mô hình sản xuất, kinh doanh và kiến tạo văn hóa trong nhà máy, công xưởng... Theo đó, doanh nghiệp thực hiện mô hình nhà máy xanh an toàn, người lao động được tiêm đầy đủ và xét nghiệm thường xuyên theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cùng với đó, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn như: thực hiện họp qua zoom, các hoạt động đào tạo, ký duyệt… đều được đưa lên nền tảng số; hạn chế họp, tương tác được thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới. Song song đó, doanh nghiệp luôn lắng nghe những đề xuất của cán bộ công nhân viên và người lao động để có những điều chỉnh hợp lý trong vận hành công việc… Chính những yếu tố này đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ trong tâm dịch cũng như trong bối cảnh hiện nay.

Tạo môi trường làm việc hiệu quả, kết nối doanh nghiệp và người lao động là cách thức bền vững để duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh thiên tai, dịch dã. Việc tạo môi trường làm việc hiệu quả, tăng sự gắn kết của cán bộ, công nhân viên, kết nối doanh nghiệp và người lao động là cách thức bền vững để duy trì sản xuất, kinh doanh. Văn hóa mạnh cũng là yếu tố giữ chân nhân sự, khiến họ tình nguyện, sát cánh trong những giai đoạn khó khăn nhất và muốn gắn bó cùng doanh nghiệp cả đời.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, thời gian qua, dịch bệnh bộc lộ rất nhiều những hạn chế của doanh nghiệp trong công tác chăm lo sức khỏe, an sinh cho người lao động. Điều này đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu giải bài toán tìm nguồn lao động sau dịch.

Trong thực tế có hàng triệu lao động đã về quê để tránh dịch. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải chú ý hơn nữa về đảm bảo điều kiện về sinh kế, tinh thần, cũng như là vật chất cho lao động, để họ yên tâm đồng hành với doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn.

Cùng với đó là đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong quy trình sản xuất nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công nhân, những người lao động với nhau. Đối với khách hàng, đối tác cũng cần thiết lập nên những quy trình giao dịch mới và được điều chỉnh để phù hợp với trạng thái bình thường mới. Khi đó sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện biện pháp an toàn sản xuất cũng như trong cung ứng dịch vụ.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khẳng định, đại dịch Covid-19 là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, từ đó củng cố văn hoá doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho công ty. "Rất nhiều doanh nghiệp vì những khó khăn riêng của mình cũng chỉ thực hiện được một vài biện pháp, nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai rất nhiều doanh nghiệp sẽ nhìn lại quá trình vừa qua và từ đó có những biện pháp để nâng cao khả năng chống chọi trước dịch bệnh có thể kéo dài hơn nữa và vẫn có thể quay trở lại" - Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình chỉ rõ.

Đồng quan điểm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, những cuộc khủng hoảng trong tương lai luôn luôn đòi hỏi việc tuân thủ kỷ luật, tinh thần đồng tâm đoàn kết, sẻ chia như một giá trị, phẩm chất cần thiết. Vấn đề này sẽ trở thành đặc trưng văn hóa của các doanh nghiệp mà ở đó người lao động là chủ thể rất quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển. Qua dịch bệnh càng cho thấy rất rõ hơn vai trò của người lao động, bởi không có họ thì dù doanh nghiệp được ứng dụng công nghệ ở mức độ nào cũng khó có thể tồn tại.

Ông Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu các doanh nghiệp không đánh giá đúng, không coi trọng vai trò của người lao động, bằng các chính sách chăm lo hỗ trợ kịp thời, kể cả lúc chưa khủng hoảng, đến lúc khủng hoảng có thể doanh nghiệp đó sẽ bị thất thoát người lao động khi gặp khủng hoảng. Ở nơi nào mà có những khu chung cư, ký túc xá cho người lao động thì nơi đó người lao động thường ít trở về quê. Điều này đặt ra vấn đề nhà ở cần phải được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Đấy là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa để đảm bảo cho người lao động để thực sự là an cư mới lạc nghiệp".

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần xác định và tạo lập hình thành cho mình mô hình thích ứng, từng bước bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm xã hội, quan tâm hơn đến vật chất, tinh thần cho người lao động là yêu cầu mà doanh nghiệp phải chú trọng hơn nữa trong thời gian tới để người lao động đồng tâm, hiệp lực cùng với doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang