Bài toán phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu mãi chưa có lời giải?

author 16:52 17/12/2021

(VietQ.vn) - Dệt may, da giày, gỗ, điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô… là những ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng đang phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu.

Đợt dịch Covid – 19 vừa qua đã bộc lộ rõ nhất hạn chế này. Không ít doanh nghiệp dệt may như "ngồi trên đống lửa" vì các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20-30% năng lực sản xuất toàn ngành. Tương tự, các ngành giày da, công nghiệp điện tử, ô tô, thép… cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi trong tháng 11, khi tăng 5,5% so với tháng trước, cao gấp rưỡi mức tăng bình quân của 11 tháng. Dẫn đầu là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 6,4%. Có đóng góp lớn trong tăng trưởng nhưng lâu nay các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang đối mặt với khó khăn vì phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

 Ngành dệt may loay hoay tìm cách giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Bộ van một chiều cho máy ép nhựa dùng để sản xuất linh kiện ô tô xe máy. Để làm ra đầu van này, 100% các nguyên liệu thép đều phải nhập khẩu. Với ngành nhựa cũng phải nhập hơn 80% nguyên liệu đầu vào. Theo doanh nghiệp dù Việt Nam đã có hai dự án lọc hóa dầu, có thể sản xuất nhựa nguyên liệu, nhưng giả sử có chạy hết công suất, cũng chỉ làm ra khoảng 700 nghìn tấn/năm. Trong khi mỗi năm ngành nhựa cần nhập khẩu từ 5 - 6 triệu tấn, chưa kể có nhiều chủng loại nhựa trong nước chưa đáp ứng được.

Với điểm yếu về nguyên liệu, nên nhiều doanh nghiệp cho biết họ buộc phải nhập khẩu máy móc nguyên chiếc về để bán. Vì nếu sản xuất ở Việt Nam, lại vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài sẽ khiến chi phí giá thành lên cao, khó cạnh tranh. Việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu là mối nguy tiềm ẩn cho hoạt động sản xuất trong nước. Để giải quyết mối nguy này, một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam cũng chậm, kém hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, khi rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất vì đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khiến việc kết nối với các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu bị gián đoạn.

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tại Việt Nam: 60% vải nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc; 42% linh kiện điện tử phải nhập từ Hàn Quốc; hơn 64% phụ tùng, linh kiện ô tô phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, rất nhiều nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị gián đoạn.

Mặc dù thời gian qua đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ được ban hành, nhưng theo các doanh nghiệp, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận. Thế nên, rất ít doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoặc nếu có đầu tư thì đa phần cũng không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.

Do đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, quan trọng nhất là thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội địa. Chỉ có như vậy. Việt Nam mới có thể từng bước "tự chủ" được nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất.

Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, nhấn mạnh tới các chính sách phát triển cho ngành công nghiệp vật liệu, với nhiều ưu đãi về cơ chế và tài chính.

Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang