Bán hàng theo nhóm: Công khai bán hàng giả

author 07:59 07/10/2012

Các trang mạng bán hàng theo nhóm đang chào bán nhiều sản phẩm quần áo, túi xách, mỹ phẩm, kính mát… thương hiệu cao cấp với giá bèo. Trong khi thực tế, các công ty chính hãng đều khẳng định không hề có chương trình liên kết bán hàng theo kiểu này; các cơ quan chức năng thì đổ trách nhiệm cho nhau vì “hình thức kinh doanh ảo này rất khó kiểm soát”

Trang hotdeal.vn chào bán áo thun nam nhãn hiệu Adidas giá chỉ 76.000đ, đã có hơn 400 người đặt mua. Có người đặt vấn đề: “Đó là sản phẩm chính hãng của Adidas hay là hàng fake?”, hotdeal không trả lời thẳng mà cho biết “xuất xứ sản phẩm: Trung Quốc”. Áo thun Lacoste chính hãng giá trên hai triệu đồng trong khi cohoimua.com rao bán chỉ 79.000đ và đã có trên 300 người đặt mua.

Tương tự, trên muachung.vn, quần lót nam hiệu Calvin Klein giá chỉ 75.000đ/cặp, thắt lưng nam hiệu CK 60.000đ. Trang cungmua.com cũng chào bán quần lót nam đủ các thương hiệu Tommy, Gucci, Lacoste, Levi's… giá 95.000đ/cặp; thắt lưng hiệu Louis Vuitton 69.000đ; kính mát Gucci, Dior… 79.000đ. Nước hoa Chanel, Lancôme trên runhau.vn chỉ 47.000đ. Túi xách Gucci trên nhanhmua.vn 159.000đ. Cucre.vn chào bán áo thể thao hiệu Nike giá chỉ 279.000đ; kem tẩy da chết L’oréal giá 115.000đ. Nhommuasaigon.com bán bộ quần áo trẻ em (áo Lacoste) giá 110.000đ… Nước hoa Lancôme - Trésor Midnight Rose 75ml trên 51deal.vn giá 120.000đ (giá gốc 220.000đ, giảm 45%), trong khi hàng chính hãng giá khoảng hai triệu đồng/chai.
 
Dĩ nhiên với giá chênh lệch một trời một vực như vậy, người mua biết rõ mình đang mua loại hàng gì, chất lượng hàng như thế nào, thế nhưng, vẫn có nhiều trang mạng lập lờ theo kiểu đây là hàng sale, hàng thanh lý bằng cách đưa thông tin giảm giá 80-90% so với giá gốc. Trong khi đó, L’Oréal VN khẳng định: “Hiện không có sự phối hợp với bất kỳ trang web nào để bán hàng qua mạng, chỉ cung cấp sản phẩm cao cấp Lancôme tại các trung tâm thương mại Parkson và Diamond Plaza”. Đại diện pháp lý nhãn hàng Chanel cũng xác nhận chỉ có hai cửa hàng phân phối sản phẩm chính hãng tại TP.HCM, hoàn toàn không bán hàng qua mạng.
 
Các trang web bán hàng theo nhóm công khai chào bán quần áo, mỹ phẩm, kính mát… giả, nhái thương hiệu cao cấp mà không bị cơ quan chức năng xử lý
Các trang web bán hàng theo nhóm công khai chào bán quần áo, mỹ phẩm, kính mát… giả, nhái thương hiệu cao cấp mà không bị cơ quan chức năng xử lý
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty luật TNHH V.N.I.P, đại diện pháp lý về sở hữu trí tuệ của Lacoste và Louis Vuitton tại VN xác nhận, sản phẩm Lacoste và Louis Vuitton bán trên các trang web chắc chắn là hàng giả. “Lacoste và Louis Vuitton không bán hàng qua mạng theo hình thức như các trang web này. Lacoste có nhà nhập khẩu chính thức và chỉ bán sản phẩm ở cửa hàng chính hãng, nếu có sale thì cũng tại những cửa hàng outlet nhưng rất ít. Louis Vuitton là nhãn hiệu không bao giờ bán sale sản phẩm”, bà Hương nói.
 
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về tình trạng công khai bán hàng nhái, hàng giả, đại diện của hầu hết các trang bán hàng theo nhóm đều có câu trả lời chung là: “Sản phẩm có giá thấp do nhà cung cấp không tốn chi phí thuê mặt bằng, quảng cáo và cung ứng với số lượng lớn nên có giá rẻ. Cũng không loại trừ khả năng hàng nhái, giả trà trộn vào nhưng nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm”. Nói như vậy thì vai trò đánh giá, thẩm định chất lượng sản phẩm của các trang web bán hàng ở đâu?
 
Vấn đề còn ở chỗ vì sao các cơ quan chức năng lại để tình trạng này diễn ra rầm rộ và công khai như thế? Ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội 3A (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) cho biết, lực lượng kiểm tra từng lần theo một số địa chỉ trên trang web nhưng đến nơi thì là địa chỉ “ma”, địa chỉ có thật thì không có hàng hoặc chỉ để một vài mẫu trưng bày. “Các trang mạng chỉ đưa hình ảnh quảng cáo chào hàng ảo, khi có người mua mới liên hệ lấy hàng cung cấp chứ không trữ hàng nên rất khó bắt. Các trang web này là một nhánh phân phối của các chợ, cửa hàng nên trọng tâm chúng tôi nhắm đến là chợ sỉ, các điểm kinh doanh đầu mối, kho hàng để bắt tận gốc. Để xử lý hiệu quả, cần sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông để chế tài hoạt động của các trang web này”, ông Thắng nói.
 
Thế nhưng, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi chỉ cấp phép cho các trang thông tin điện tử tổng hợp, còn trang thương mại điện tử thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và Sở Công thương, chúng tôi không có thẩm quyền cấp phép, quản lý các trang web tổ chức bán hàng”. Rất tiếc, khi chúng tôi liên hệ với giám đốc Sở Công thương TP.HCM thì vị này lại hướng dẫn quay lại hỏi Chi cục QLTT TP.HCM.
 
Có lẽ do trách nhiệm xoay đèn cù như vậy nên các trang bán hàng theo nhóm vẫn thoải mái phân phối hàng nhái, hàng giả, ai dại cứ mua!
 
Theo Phunu online
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang