Bao giờ Việt Nam mới bỏ thu phí trên đầu heo?

author 10:35 02/08/2016

(VietQ.vn) - Nhiều nước trên thế giới đã bỏ thu phí và lệ phí trong chăn nuôi, còn Việt Nam vẫn duy trì thu phí trên đầu từng con heo.

Từng thừa nhận lạm thu vào năm ngoái, và đã bãi bỏ một số thứ, nhưng nay hàng loạt loại phí thú y lại tái xuất qua một thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT).

Trong dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, Cục Thú y của Bộ NNPTNT vẫn tiếp tục đề xuất duy trì hàng trăm loại phí, thậm chí có loại còn được đề nghị tăng thêm...

Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 04 đang được phát hành rộng rải để lấy ý kiến, các loại phí vẫn được đề xuất giữ lại, gồm các loại như sau:

Lệ phí trong công tác thú y, gồm: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu từ 70.000 đồng/lần được đề nghị tăng lên 100.000 đồng. Trong khi đó, “Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y” vẫn đề xuất giữ nguyên mức 70.000 đồng.

Phí phòng chống dịch bệnh cho động vật vẫn giữ nguyên làm 3 mức, gồm: phí Thẩm định vùng an toàn dịch bệnh nhiều nhất là 3,6 triệu. Phí thẩm định cơ sở chăn nuôi t­ư nhân, cơ sở nuôi trồng thủy sản là cơ sở an toàn dịch bệnh (do địa phương quản lý) là 300.000 đồng.

Và phí thẩm định cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản (do tỉnh hoặc Trung ­ương quản lý); Thẩm định chương trình giám sát dịch bệnh động vật để được miễn kiểm dịch (bao gồm cả thủy sản) là 1 triệu.

Phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Kiểm soát giết mổ động vật

Phần này mặc dù cơ quan thú y chỉ tiến hành các bước giám sát đơn giản như kiểm tra lâm sàng; giám sát cách ly kiểm dịch động vật; Kiểm dịch sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật (chưa bao gồm các chỉ tiêu xét nghiệm); Kiểm soát giết mổ (bao gồm kiểm tra lâm sàng động vật trước khi giết mổ, kiểm tra thân thịt, phủ tạng và đóng dấu kiểm soát giết mổ)... nhưng cũng vẫn đề nghị duy trì hàng trăm loại phí khác nhau.

Điều đáng nói là nếu như trước đây, mức thu trong Thông tư 04 là thu trên đầu con thì nay, dự thảo sửa đổi đề xuất thu theo lô.

Chẳng hạn như thu phí kiểm tra lâm sàng đối với heo thịt, thông tư 04 thu 1.000 đồng/con thì nay dự thảo sửa đổi đề xuất thu theo lô, từ 100 con đến dưới 200 con là 150.000 đồng…

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Gồm 19 loại, mức cao nhất lên đến 18 triệu đồng như phí Thẩm định, chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (GMP); Thẩm định, chứng nhận thực hành tốt sản xuất, kiểm nghiệm và bảo quản thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (cơ sở đăng ký cả GMP,GLP và GSP); Đánh giá chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm thuốc thú y...

Chỉ có Việt Nam còn duy trì thu phí thú y?

Sau khi nhận được dự thảo Thông tư 04, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã có văn bản gửi Cục Thú y chỉ ra hàng loạt những điểm bất cập trong việc duy trì thu phí, đồng thời kiến nghị miễn hoặc giảm nhiều loại phí không phù hợp.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, trong tình hình thịt ngoại đang đè thịt nội, chăn nuôi trong nước bị giá thành cao không cạnh tranh, thua lỗ và phá sản hàng loạt nhưng vẫn phải nộp đầy đủ phí lệ phí thú y là điều vô lý.

Hiện nay, ở các nước phát triển như Châu âu, Mỹ, Úc, theo hiệp hội này, không thu các loại phí này do đã thu thuế từ hoạt động kinh doanh khác.

Ngay trong khu vực ASEAN cũng vậy, các nước có thế mạnh về chăn nuôi như Thái lan, Malaysia, Indonesia thì việc thuế VAT trong TACN bỏ rất lâu (Việt Nam mới áp dụng từ 01/01/2015), còn phí và lệ phí cũng không thu hoặc thu tượng trưng không đáng kể.

“Ở Việt Nam, việc phu phí và lệ phí thú y được hiểu như là đơn vị kinh doanh kiếm lời cho ngân sách hoặc để nuôi toàn bộ cơ quan thú y, thậm chí có nơi còn dư nộp ngân sách rồi hàng năm cơ quan thú y báo cáo thành tích đóng góp cho ngân sách. Trong khi người chăn nuôi Việt Nam vẫn phải còng lưng trả lương và công tác phí cho toàn bộ cơ quan thú y và thậm chí là lợi nhuận của cơ quan này”, nội dung trong công văn nhấn mạnh.

Do đó, theo ý kiến Hiệp hội, đây là con số và thành tích đáng hổ thẹn do thu được từ người chăn nuôi có trình độ, thu nhập thấp là bộ phận cần được xã hội hội trợ như các nước đang làm", văn bản ghi rõ.

Để ngành chăn nuôi và người nông dân có thể cạnh tranh được trước làn sóng thịt ngoại, Hiệp hội đề nghị Nhà nước cần phải thay đổi trước cách thu phí, cách làm của các cơ quan liên quan nhằm tạo cơ hội và cú hích cho người chăn nuôi.

Nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay thì ngành chăn nuôi sẽ không cạnh tranh nỗi với thịt nhập.

“Năm 2014, Việt Nam là quốc gia bước ra khỏi danh sách các quốc gia nghèo và là quốc gia có thu nhập trung bình, vì vậy, từng bước phải theo lộ trình thông lệ của Quốc tế về thu phí thú y để cởi trói cho ngành chăn nuôi, tạo sân chơi công bằng cho người chăn nuôi trong nước so với người chăn nuôi trong khu vực và thế giới”, văn bản nêu rõ.

Minh Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang