Địa phương vào cuộc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero)
Cảnh báo nguy hiểm khi dùng thuốc nam điều trị suy thận
Phú Yên: Tạm giữ trên 20 tấn mỹ phẩm, đồ điện gia dụng không có hóa đơn, chứng từ
Thu hồi mỹ phẩm Ginseng Beauty Cream của Công ty xuất nhập khẩu Khang Thịnh do không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, khí thải nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Các khí thải nhà kính đáng lo ngại nhất phải kể đến carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Trong đó, CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm còn oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2 và oxit nitơ mạnh gấp 280 lần.
Hiệu ứng nhà kính gây tác động đáng kể đến môi trường và các hệ sinh thái trên Trái Đất. Tăng nhiệt độ Trái Đất gây ra nhiều vấn đề như tăng mực nước biển, sự biến đổi khí hậu, tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ lụt.
Để giảm thiểu những tác hại từ khí thải nhà kính hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang nỗ lực đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 triển khai hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, thành phố đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong đó, sẽ thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%; đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).
Đối với các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái hằng năm 15%/năm. Các toà nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.
Giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường đang được nhiều tỉnh, thành của Việt Nam nỗ lực thực hiện. Ảnh minh họa
Đà Nẵng tập trung xây dựng thành phố carbon thấp
Ông Đặng Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2008 đến nay, những giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí đã đạt được những thành tựu ban đầu. Theo kết quả quan trắc định kỳ độ ồn tại khu vực dân cư luôn thấp hơn 60 dB(A), đường phố thấp hơn 75 dB(A); diện tích bình quân không gian xanh đô thị đối với mỗi người đạt mục tiêu, năm 2022 là 7,51m2/người, tăng 5,51m2/người so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định đã đạt 57,14%… Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đã đề ra các biện pháp quản lý, bảo đảm chất lượng môi trường không khí.
Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường không khí và làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O...) có ý nghĩa quan trọng để kiềm chế, làm giảm sự gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất, những tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone. Đà Nẵng đang quyết tâm giữ vững danh hiệu “Thành phố carbon thấp” và triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon.
Trước mắt, việc kiểm kê khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế, xã hội là rất quan trọng, nhất là các hoạt động sản xuất công nghiệp để xác định mức phát thải, mức hấp thụ khí nhà kính, từ đó có kế hoạch và giải pháp kiềm chế hoặc giảm phát thải, tăng hấp thụ...Các ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như công thương, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp... đã và đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện việc giảm phát thải.
Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang hướng dẫn, tập huấn cho các doanh nghiệp về nhận thức chung, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ đó, doanh nghiệp có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ tăng trưởng, bảo đảm năng suất và việc làm bền vững.
Lào Cai giảm thải khí nhà kính ở tất cả các lĩnh vực
Giảm thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… Tăng cường công tác trồng rừng, nhân rộng các mô hình sinh học trong nông nghiệp, hay các hệ thống năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và giữ rừng là hướng đi mà tỉnh Lào Cai đang thực hiện nhằm giảm thiểu khí nhà kinh bảo vệ môi trường sống.
Những năm qua, Lào Cai đã thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Lào Cai (công suất hơn 100 tấn/ngày) thành phân hữu cơ. Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu các mô hình xử lý rác thải thành điện; lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời tại các hộ và khu công sở, khách sạn, nhà hàng, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.
Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai khuyến khích đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh việc giảm phát thải, Lào Cai cũng quan tâm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính cân bằng giữa lượng phát thải và lượng hấp thu.
Nam Định chủ động thực hiện giải pháp giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí
Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay việc đầu tư của tỉnh cho công tác giảm phát thải khí kính để bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Việc xã hội hóa công tác này bước đầu được áp dụng đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang dần đi vào nề nếp, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn thu gom đạt từ 89,8% trở lên. Việc triển khai, phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn.
Các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc đầu tư các công trình xử lý chất thải, hầu hết các cơ sở phát sinh khí thải đều có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Chất thải chăn nuôi đã được quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần tích cực giảm phát thải khí nhà kính.
Việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân đã được người dân quan tâm; đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng số 85 xe; hầu hết các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO III.
Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, tỉnh đã ưu tiên kiểm soát tại khu vực thành phố Nam Định, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ từng bước chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đồng Nai hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm carbon, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây là một bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo. Và tạo ra các cơ hội mới cho tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Theo Đề án này, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. Bảy lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và bất động sản.
Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.
An Dương (t/h)