Bảo vệ thương hiệu: Phối hợp, ngăn chặn mối nguy hàng giả 'len lỏi'
Vinhomes Ocean Park 2 đón hơn 200 thương hiệu kinh doanh chỉ sau 1 tháng chào thuê
Tăng cường phòng chống buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng
Lợi dụng sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu
Hải Quan: Xử lý 11.329 vụ việc vi phạm hàng giả, hàng gian lận thương mại
Vấn nạn hàng giả len lỏi khắp các mặt hàng
Vi phạm sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng đến chi phí và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính mà bản thân người tiêu dùng khi sử dụng phải hàng giả cũng có thể gặp những nguy hại khó lường.
Trưa ngày 6/10, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc) tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ trong vài giờ, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn đôi tất chân được gắn các nhãn hiệu như: NIKE, LV (LOUIS VUITTON). Đáng chú ý, giá bán các sản phẩm này tại cửa hàng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa chính hãng, trong khi chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Cũng liên quan tới hàng giả, ngày 12/10, Đội QLTT số 1 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và thu giữ gần 1.500 ống phóng pháo hoa với nhiều kích cỡ được đóng, đựng trong các hộp và giàn phóng, không có hóa đơn chứng từ, tại một căn hộ tầng 2, chung cư mini trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng ở khắp các mặt hàng. (Ảnh: TTXVN)
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này đang tập kết, kinh doanh pháo hoa giả mạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) có địa chỉ tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm như nước tắm trẻ em, khăn giấy, sữa bột, kể cả phụ tùng xe máy như má phanh, dây phanh, dầu xe máy, kể cả xe lắp ráp gắn mác Honda cũng liên tục bị lực lượng chức năng phối hợp với chủ sở hữu thu giữ tại nhiều địa phương trong cả nước.
Đối với mặt hàng xăng dầu, những tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng khác kiểm tra trên 1.200 vụ, xử lý trên 300 vụ vi phạm. Thông qua hoạt động thanh kiểm tra, lực lượng QLTT cả nước phát hiện nhiều sai phạm với số lượng hàng hóa lớn, điển hình như: vụ việc 15.000 lít xăng không đảm bảo chất lượng tại Bình Dương; vụ việc chuyển cơ quan Công an điều tra dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng thu lợi bất chính trong kinh doanh xăng dầu tại Thạch Thất, Hà Nội.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; không áp dụng hoặc duy trì hệ thống quản lý chất lượng; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền; nhân viên không được tập huấn, đào tạo và cấp giấy chứng nhận theo quy định...
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, nửa đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý trên 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 01 vụ cho cơ quan công an xử lý.
Đối với mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng LPG, lực lượng QLTT kiểm tra 981 vụ, xử lý 506 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 3,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 340 triệu đồng.
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 3.182 vụ; xử lý 2.241 vụ vi phạm, số tiền xử phạt gần 9,7 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch vi phạm trên 2,3 tỷ đồng. Công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Đối với mặt hàng đường cát, lực lượng QLTT kiểm tra 91 vụ, xử lý 61 vụ vi phạm, phạt tiền gần 1,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,9 tỷ đồng, số lượng hàng hóa tạm giữ, tịch thu trên 67 tấn. Hành vi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nửa đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 328 vụ, xử lý 233 vụ, phạt tiền hơn 4,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa hơn 2,7 tỷ đồng.
Phối hợp ngăn chặn góp phần bảo vệ thương hiệu sản phẩm
Có thể thấy, với sự trợ giúp của công nghệ, hàng giả ngày càng được làm tinh vi. Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, dùng mắt thường rất khó nhận biết đâu là hàng chính hãng và hàng giả, do vậy, nếu không có sự phối hợp từ các nhãn hiệu hay chủ thể quyền thì công tác kiểm tra, phát hiện các sản phẩm vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó theo ông Linh, sự phối hợp là cần thiết, góp phần bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ và thông báo với cơ quan chức năng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đấu tranh trước các hành vi sản xuất-kinh doanh các sản phẩm làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như cạnh tranh không lành mạnh đối với các sản phẩm của mình. Điều này không những giúp cho các doanh nghiệp phát triển tốt, tạo động lực cho nền công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển mà còn làm tăng tính minh bạch của thị trường.
Trong năm 2023, ngoài hợp tác với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cũng hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn như: SCHOTT AG; Lego, P&G... để đẩy lùi hàng giả.
Theo bà Laure Catoire, Cố vấn viên cao cấp Chương trình Bảo vệ Thương hiệu của P&G tại châu Á-Thái Bình Dương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng chức năng cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, tiến hành xác minh và ngăn chặn nguồn hàng hóa ngay từ các đối tượng bán buôn hoặc cơ sở sản xuất để giải quyết triệt để vấn nạn này.
Đại diện P&G cũng đề xuất sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên, gồm: Cơ quan thực thi, các sàn Thương mại điện tử và chủ thể quyền nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và giải quyết được nguồn gốc hàng giả nhất là trên môi trường Internet…
Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các nhóm mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, phương thức bán hàng thương mại điện tử, bán hàng online, dựa trên các ứng dụng của mạng xã hội ngày càng nhiều, khó kiểm soát, do đó các lực lượng chức năng của BCĐ 389 Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Liên quan tới công tác Chống hàng giả, Bảo vệ Thương hiệu, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý Thị trường) cho hay, thực hiện Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý Thị trường cố gắng từ nay đến năm 2025 thực hiện các mục tiêu đề ra trong đề án này, đó là tìm ra giải pháp công nghệ mới để làm sao người tiêu dùng khi mua các sản phẩm tiêu dùng trên mạng sẽ được đảm bảo mua được hàng thật, với giá thật.
"Trên môi trường thương mại truyền thống, phấn đấu đến năm 2025 thì 100% cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại sẽ không bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Nguyễn Đức Lê thông tin thêm.
Để giữ ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An giao 4 nhiệm vụ cho lực lượng QLTT cả nước: Toàn lực lượng phải nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các địa bàn trọng tâm, nổi cộm, chú trọng các mặt hàng trọng điểm. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần giữ đúng đạo đức công vụ.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Từ cấp Cục/Vụ trưởng đến cấp Đội/Phòng... để kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT.
An Dương (T/h)