Bất cập giá thức ăn chăn nuôi - cần thành lập sàn giao dịch nguyên liệu nông sản

author 13:57 29/10/2021

(VietQ.vn) - Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngoài do giá nguyên liệu thế giới tăng, việc quản lý mặt hàng này còn nhiều bất cập. Cần thành lập sàn giao dịch nguyên liệu nông sản trong nước, để người chăn nuôi nắm được, tránh bị đại lý bán với giá cắt cổ, độc quyền.

Trong các đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi vừa qua, tổng các đợt tăng là 9 đợt, tăng 80.000 đồng/bao 25kg, mỗi đợt tăng bình quân từ 300-500 đồng tùy loại. Có loại tăng 300 đồng/kg, cả bao 25kg tăng 7.500 đồng, nhưng cũng có loại tăng tới 500 đồng/kg, cả bao 25kg sẽ tăng tới 12.500 đồng. Đây là mức tăng hoàn toàn không nhỏ.

 Người chăn nuôi nhỏ phải lấy lại cám qua nhiều bậc trung gian nên càng khó khăn hơn

Thực tế hiện nay, trong lĩnh vực chăn nuôi, có 2 nhóm kinh doanh ngành thức ăn gia súc: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp FDI và một vài doanh nghiệp lớn trong nước như Dabaco, Lái Thiêu, Vina, Anova... mua nguyên liệu trực tiếp từ nước ngoài, thường là mua trước 6 tháng và về dần từng tháng theo nhu cầu sản xuất. Nhóm 2 là các doanh nghiệp nội địa nhỏ. Nhóm này số lượng nhiều nhưng sản lượng ít, thường mua lại nguyên liệu trong nước hoặc của các doanh nghiệp trên.

Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào công ty FDI, doanh nghiệp lớn. Thực tế có một nguyên tắc bất thành văn là các công ty nhỏ không dám "cầm đèn chạy trước ôtô". Nghĩa là, khi giá cám xuống hay lên, họ phải chờ mấy “ông lớn” như CP, Cargill, Deheus, Masan, CJ... tăng rồi mới dám tăng, hoặc các “ông lớn này” giảm thì mới dám giảm theo.

Một thực tế đang tồn tại xung quanh vấn đề mua, bán thức ăn chăn nuôi là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi do giành giật thị phần nên ra sức đưa ra chính sách chiết khấu, chính sách đãi ngộ cho đại lý, họ chỉ lo cho cấp trung gian là đại lý, còn bỏ mặc nông dân- một chủ trang trại chăn nuôi chia sẻ. 

Bởi thế, chủ trang trại, người chăn nuôi lớn có tiền còn đỡ, còn người chăn nuôi nhỏ thường phải lấy lại cám qua nhiều bậc trung gian, giá cám phải cao hơn ít nhất 10-15% nữa. Vì thế nên người chăn nuôi nhỏ đã khó lại càng khó thêm.

Các chủ trang trại, người chăn nuôi cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp với nhiều triệu nông dân, do vậy, cần thiết phải thành lập sàn giao dịch nguyên liệu nông sản trong nước, có kênh thông tin giá cám thế giới, giá cám trong nước... để người chăn nuôi nắm được, tránh bị đại lý bán với giá cắt cổ, độc quyền, đồng thời đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, ngoài kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, cần tăng cường thanh tra giá, định giá bán thức ăn chăn nuôi, thậm chí đặt “trần” giá bán lẻ, quy định giá bán buôn... Nếu làm được việc này sẽ giảm thiểu được tình trạng bất cập về giá thức ăn chăn nuôi như hiện nay, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển, tăng thu nhập cho người nông dân.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang