Bắt đầu triển khai chứng thực hợp đồng điện tử trong tháng 6/2022

author 08:44 01/06/2022

(VietQ.vn) - Mục tiêu trong năm 2022 sẽ có 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động giao dịch. Bộ Công Thương đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong tháng 6/2022.

Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng 16- 17%/năm. Các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và website bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp, người kinh doanh. Tuy phát triển với tốc độ đột phá, các giao dịch thương mại điện tử luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.

 Hợp đồng điện tử là giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động tin cậy và hiệu quả.

Nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, giao kết hợp đồng cho chủ thể trên môi trường thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong các Nghị định 52/2013/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử, chính thức tạo hành lang pháp lý cần thiết để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức rất lớn. Trước hết, giúp tiết kiệm chi phí. So với chi phí hiện nay, một hợp đồng truyền thống sẽ mất chi phí giấy tờ, in ấn, chi phí chuyển phát hợp đồng hoặc chi phí đi lại. Bên cạnh đó,giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất.

Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên thứ 3 như ngân hàng, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép hoặc thông qua trục phát triển hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Việc này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.

Ông Hải cũng cho biết thêm, việc lưu trữ hợp đồng dưới dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu, tìm kiếm một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo được sự an toàn, bảo mật của nội dung hợp đồng. 

Thông tin về lộ trình đưa hợp đồng điện tử vào thực tế, ông Hải cho hay, ngày 15/3/2022, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã có Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%.

Mặt khác, hành lang pháp lý cũng sẵn sàng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Trong quý I và II/2022, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp gửi đề nghị cấp đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ trong tháng 6/2022.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia. 

Hệ thống trục sẽ là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc cho bên thứ 3, đồng thời là nền tảng hỗ trợ, kết nối các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký, kết nối với nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Hệ thống trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia sẽ đóng vai trò xây dựng, phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử, kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang