Lời khuyên của bác sĩ bị ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn

authorTrần Thanh 11:44 10/09/2016

(VietQ.vn) - Bệnh ung thư phổi đang diễn ra phổ biến. Nếu chán nản thì chắc chắn bệnh nhẹ sẽ thành nặng, bệnh nặng thì sẽ càng nặng thêm và cuối cùng là cái chết.

Bệnh nhân đặc biệt mắc ung thư phổi giai đoạn muộn (đã di căn sang nhiều bộ phận cơ thể) được chữa trị thành công và hiện vẫn đang rất khỏe mạnh, làm việc bình thường, đó chính là PGS.TS Đỗ Quốc Hùng – nguyên Trưởng phòng C7 – Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai).

 PGS- TS Đỗ Quốc Hùng cho biết yếu tố tâm lý giúp ông chiến thắng bệnh ung thư phổi (Ảnh: Internet)

 

Nếu ai đó chưa từng nghe qua về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư thì có lẽ không ai nghĩ rằng PGS Hùng đã từng mang trong mình căn bệnh ung thư phổi quái ác, đặc biệt hơn là căn bệnh đó đã di căn hay nói nôm na là: "Ung thư giai đoạn cuối".

Khi bắt đầu câu chuyện với vị bác sĩ chuyên ngành tim mạch này, báo Khám phá có đặt câu hỏi về quá trình chống chọi với bệnh tật và cả những nỗi đau mà bản thân bác sĩ phải gánh chịu do căn bệnh mang lại.

PGS Đỗ Quốc Hùng ngắt lời: "Hãy tạm gác chuyện đó sang một bên, nếu ai đó bị bệnh suốt ngày nghĩ về căn bệnh đó thì cũng sẽ khiến bệnh càng nặng thêm.

Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người là làm sao để phòng bệnh nói chung và bệnh ung thư nói riêng".

PGS Hùng chia sẻ, bài học đầu tiên giúp ông chiến thắng với căn bệnh ung thư phổi khi đã ở giai đoạn muộn, có di căn đó chính là tâm lý, niềm tin.

"Bất kỳ bệnh gì, trước khi được phát hiện ra bản thân phải có thái độ bình tĩnh để đón nhận nó. Tâm lý ai cũng vậy, khi đang khỏe mạnh mà mắc bệnh thì sẽ có những phản ứng tiêu cực vì nghĩ mình sẽ chẳng sống được lâu nữa.

Bản thân tôi là thầy thuốc, gặp nhiều bệnh nhân mặc dù chỉ bị tăng huyết áp nhưng họ nghĩ rằng rất nguy kịch, sắp tử vong, những người mắc bệnh hiểm nghèo, họ luôn cho rằng đó là bản án tử hình đối với mình", PGS Hùng phân tích.

Là một người đã từng ở trong tâm thế chờ kết quả về bệnh của mình nên PGS Hùng chia sẻ: "Chúng ta phải chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận nó dù là bệnh gì.

Chỉ có bình tĩnh mới đưa được ra cách xử trí tốt nhất đối với căn bệnh: nơi điều trị tốt, bác sĩ tốt, thuốc tốt.

Ví dụ khi tôi mắc bệnh ung thư, rất nhiều người giới thiệu nên đi chữa thầy lang, đi chữa ở nước ngoài... Nếu tôi không bình tĩnh để lựa chọn thì không thể tìm được nơi chữa bệnh tốt cho mình.

Theo quan điểm của cá nhân PGS Đỗ Quốc Hùng, sự bình tĩnh, niềm tin hay nói cách khác là tâm lý chiếm 50% cơ hội để chiến thắng bệnh tật. Còn tất cả các biện pháp khác: thuốc thang, ăn uống, tập luyện chỉ là hỗ trợ.

Tâm lý, niềm tin chính là bí quyết đầu tiên giúp PGS Đỗ Quốc Hùng chiến thắng căn bệnh ung thư phổi. Nhưng điều đó là chưa đủ, theo BS Thân Văn Kha- Giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bắc Giang thì khuyên chúng ta  mỗi năm  nên đi khám sức khỏe tổng thể một lần. Không chỉ ung thư, bất kỳ bệnh nào nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, hãy để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống để giảm thiểu tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo.

Thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế những thực phẩm gây độc hại cho cơ thể. Lưu ý khi tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm hóa học, mỹ phẩm, dược phẩm…

Hãy hạn chế để cơ thể bị tăng cân, béo phì. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục đều đặn, tránh xa rượu và thuốc lá. Những điều cơ bản và đơn giản này có thể giúp loại bỏ được từ 30% đến 40% nguy cơ gây ung thư.

Nếu bạn còn phải sống trong môi trường có khói thuốc, việc phòng tránh bệnh ung thư phổi sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Hãy dừng việc hút thuốc, và khuyến khích những người sống xung quanh bạn nên bỏ thuốc.

Trần Thanh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang