Biến nước lã, tạp chất thành xăng là dấu hiệu sản xuất hàng giả

author 16:47 27/08/2012

(VietQ.vn) - Việc biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu mà báo chí nêu cần được điều tra làm rõ để kết luận về hành vi, tính chất, mức độ vi phạm để xem xét trách nhiệm, chế tài xử lý. Tuy nhiên, bước đầu có thể thấy đây là dấu hiệu của hành vi sản xuất hàng giả.

Gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề gian lận, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu do báo chí điều tra khiến dư luận rất bất bình, nhưng không hiểu vì sao vẫn “chìm xuồng”. Người dân vẫn bị móc túi hàng ngày, bị thiệt hại thường xuyên bởi các hành vi phạm pháp vẫn diễn ra. Xung  quanh vấn đề này Phóng viên Chất lượng Việt Nam có cuộc trò chuyện với Chuyên gia pháp lý Lê Cao - Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng). 

Theo ông vì sao hàng loạt vụ pha chế, rút ruột xăng dầu đã bị phát hiện nhưng đến nay chưa có một sự trừng phạt thỏa đáng nào để ngăn ngừa, răn đe?
 
Đúng là các hành vi gian dối, trái phép trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện được nói đến rất nhiều. Nói đến rất nhiều bởi hầu như người dân có thể thấy hàng ngày, bị thiệt hại, bị móc túi hàng ngày. Tuy nhiên, các chủ thể vi phạm ngày càng làm mạnh, làm tới với quy mô lớn hơn. 
 
Trước đây các báo đã phát hiện ra hàng loạt vi phạm nhưng quyết tâm của những người có thẩm quyền vẫn chỉ dừng lại ở hứa hẹn xử lý. Báo Tuổi trẻ lại vừa có loạt bài về vấn nạn pha chế, làm giả xăng dầu với quy mô rất hoành tráng. Thế nhưng liệu có được xử lý? Điều đó thể hiện hay không là minh chứng cho công cụ quản lý của chúng ta có đủ mạnh hay không?
 
Việc “biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” như các cơ quan báo chí phản ánh thì pháp luật quy định đó là hành vi vi phạm gì? Có thể xử lý hình sự hay không, thưa ông?
 
Liên quan đến việc biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu mà báo chí nêu cần được điều tra làm rõ để kết luận về hành vi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm để xem xét trách nhiệm, chế tài xử lý. 
Một khâu trong quá trình pha chế xăng dởm ở bãi xăng dầu Trâu Điên
Một khâu trong quá trình pha chế xăng dởm ở bãi xăng dầu Trâu Điên. Ảnh: Tuổi trẻ
 
Tuy nhiên, bước đầu có thể thấy đây là dấu hiệu của hành vi sản xuất hàng giả. Cụ thể trường hợp này là hàng giả về chất lượng và công dụng - hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá. 
 
Chế tài xử lý nếu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định như thế nào?  
 
Theo Điều 156 Bộ luật hình sự thì người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng, hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này, hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 Bộ luật hình sự, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 
 
Sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm nếu phạm tội: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 
 
Hoặc, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 
 
Do đó, để thực sự nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, cơ quan điều tra trên cơ sở thông tin, phản ánh của báo chí và dư luận cần vào cuộc để làm rõ hành vi, khởi tố vụ án để làm rõ. Ngoài tội danh nêu trên, trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm có thể bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép, tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật hình sự hoặc vị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định 104/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu.  
 
Rõ ràng đã có chế tài quy định nghiêm khắc với hành vi làm giả xăng dầu, song chưa được áp dụng xử lý triệt để nhằm răn đe, theo ông là vì sao?
 
Cứ chiếu vào quy định mà nói thì dễ nhưng vấn đề là có điều tra, làm rõ các hành vi rồi áp dụng chế tài để răn đe, trừng phạt đối với các hành vi này hay không. Chúng ta đa vướng trong việc thi hành luật, ở chỗ đó. Cho nên hàng loạt xăng dầu dỏm vẫn bơm vào các phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị hàng ngày gây nên thiệt hại rất lớn về tài sản, cả tính mạng liên quan đến việc cháy xe, hỏng máy móc thiết bị... 
 
Nếu không phát hiện được (mà phải nhờ báo chí) các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu trong quá trình quản lý; nếu không xử lý khi báo chí, dư luận đã thông tin, cung cấp chứng cứ... thì có nghĩa là nhiệm vụ chưa được thực hiện chứ không phải là nhiệm vụ không làm được. 
 
Về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp người dân bị móc túi, bị thiệt hại hàng ngày như thế nào? 
 
Vấn đề là thiệt hại của từng người dân mua xăng, mua dầu thì rất ít khi được cơ quan chức năng thống kê lại, tập hợp lại để xem là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là khi nào cũng nhiều. Như thế, có thể nói bằng một cung cách quản lý rất “hiền lành” của mình, nhà nước nhiều khi đã vô tình làm cho người dân phải chịu thiệt thòi. Xăng, dầu đã mua, đã sử dụng mất hết chứng cứ, thiệt hại thì đã xảy ra không chứng minh được nguyên nhân (mặc dù có nguyên nhân)... là các vấn đề mà người dân chẳng kêu được ai, kêu được gì. 
 
Do đó, nếu người dân đoàn kết, phanh phui, lật tẩy các hành vi sai trái trong kinh doanh xăng dầu, tập hợp chứng cứ gian dối, gian lận của các chủ thể kinh doanh cụ thể thì sẽ có cơ sở để qua đó, gián tiếp kêu gọi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với công việc quản lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh xăng dầu. 
 
Nghĩa là người tiêu dùng vẫn "đơn thương độc mã"  trong cuộc chiến bảo vệ mình khỏi hàng hóa xăng dầu nói riêng và hàng hóa kém chất lượng nói chung?
 
Tôi thì vẫn hy vọng người dân không phải đi làm thay cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và họ cũng không được trao thẩm quyền để làm việc đó. Mặc dù người dân và các phương tiện truyền thông hiện nay vẫn là những chủ thể tích cực nhất trong cuộc chiến chống lại hàng giả với những phát hiện, kêu cứu và phản ánh. Nhưng họ không có thẩm quyền để xử lý ai cả, do đó họ chưa mấy khi được bảo vệ quyền lợi. 
 
Trong khi họ chưa được bảo vệ quyền lợi của mình thì người dân phải cùng nhau đoàn kết để bảo vệ túi tiền, sức khỏe, tính mạng của mình. Điều này không đến nổi “bất khả thi” nhưng là rất khó khăn và đó là điều đáng phải suy nghĩ, điều đáng đặt ra cho các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. 
 
Và tôi cũng nghĩ rằng, quản lý cái gì cũng có thể có những khó khăn, nhưng không thực hiện hết trách nhiệm và không làm đến cùng, không làm mạnh mẽ thì không bao giờ có kết quả. 
 
Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa  ( Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, sau khi nhận được thông tin từ báo Tuổi trẻ, Cục đã  chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xăng, dầu tại những địa điểm được  báo Tuổi trẻ đề cập để kiểm định chất lượng.
 
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, sáng nay 27/8,  Trưởng Công an quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, chưa nắm được vấn đề "biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu" ở bãi xăng dầu Trâu Điên trên địa bàn mà báo chí phản ánh. Ông nói sẽ kiểm tra lại thông tin nêu trên. 
 
PV Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 
 

Hà Thủy  - Phùng Gia
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang