‘Biết sợ’ để Covid-19 không còn đáng sợ!

author 07:03 02/08/2021

(VietQ.vn) - Nếu nói rằng đại dịch Covid-19 đáng sợ thì cũng rất đáng sợ, nhưng nếu nói không đáng sợ thì cũng không đáng sợ.

Xin bạn hãy ở nhà!  

Khi cuộc sống đang êm ả trôi với những công việc mưu sinh thường nhật, dịch bệnh Covid-19 ập đến bất ngờ như cơn lũ quét khiến chúng ta hoang mang và lo lắng. Đến nay đã bước sang “năm Covid thứ 2”, và nhiều dự báo cho thấy dịch bệnh có thể còn kéo dài hơn nữa.

Vào đầu năm 2020, dịch khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng lan ra các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay từ lúc ấy, khẩu trang và nước sát khuẩn trở thành 2 vật dụng quan trọng đến mức trong túi xách của nhiều phụ nữ thay vì đựng son phấn và nước hoa lại được trang bị thêm lọ nước rửa tay hay vài ba chiếc khẩu trang. Những cuộc nói chuyện hàng ngày đã được nêm thêm gia vị là dịch bùng phát chỗ này, chỗ kia. Người ta nhắc nhau hãy đeo khẩu trang, sát khuẩn và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết… Vì sao? Vì Covid-19 đáng sợ, nó có thể cướp đi mạng sống, sự bình yên của con người. Suy cho cùng, ai cũng muốn được sống!

Trước sự tấn công của virút, với quyết sách đúng đắn ngay từ bước đầu “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, một “hình mẫu” chống dịch hiệu quả. Để đạt được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành y tế với những y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân.

Nhưng virút cũng như quân địch, không ngồi yên đợi chúng ta. Nó “lột xác” biến đổi với những biến thể ngày càng tinh vi, có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, điển hình là biến thể Delta. Thời điểm đầu năm 2020, các F0 hầu như đều có biểu hiện khá rõ ràng như sốt, ho khan, mệt mỏi, mất vị giác, đau họng… Thế nhưng đến nay, nhiều F0 không có bất kỳ biểu hiện nào, chỉ đến khi xét nghiệm mới cho ra kết quả dương tính. Thậm chí, nhiều F1 sau thời gian ngắn trở thành F0.

Covid-19 hoành hành, rất nhiều người vợ đã phải xa chồng, mẹ phải xa con, nước mắt đã rơi và có những mái đầu đã điểm phần tóc bạc… Cả nước gồng mình chống dịch như cách mà nhân dân ta đoàn kết chống lại kẻ thù xâm lược mấy mươi năm trước.

 
Lúc này đây, khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bên cạnh những liều vaccine phòng ngừa Covid-19, có lẽ những hình ảnh đẹp lan tỏa khiến khóe mắt chúng ta cay cay, trái tim rộn nhịp lại là những “liều thuốc” tuyệt vời nhất: Một bé gái 20 tháng tuổi òa khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ chống dịch ở Bắc Giang trên ti vi; Một bác sĩ trẻ cạo trọc đầu lên đường chi viện cho tâm dịch. Rồi những đoàn xe cảnh sát giao thông ngày đêm dẫn đường, hộ tống cho người dân về quê, vượt đường xa, mưa gió. Những đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng viên, thực tập sinh chẳng ngại khó, ngại khổ, lao vào tâm dịch… vì Tổ quốc gọi tên và vì nhân dân cần họ.
 
Và còn rất nhiều hình ảnh đẹp, ấm áp hơn nữa giữa “mùa Covid”, những mạnh thường quân, những tấm lòng vàng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hỗ trợ cho những người kém may mắn, thất nghiệp…

Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, 2 thành phố lớn nhất cả nước cùng nhiều tỉnh, thành khác đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu lây lan, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân. Ấy thế nhưng vẫn có những hình ảnh đáng buồn khi vẫn có một bộ phận người dân coi việc phòng chống dịch như “gió thoảng mây bay”. Dù cho báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng có ra rả về thông điệp 5K hay các biện pháp phòng chống dịch vẫn có những người bình thản ra đường tập thể dục buổi sáng, dắt thú cưng đi dạo… như chưa hề có dịch bệnh “hỏi thăm”.

Tại Hà Nội, khi có lệnh giãn cách 15 ngày kể từ 24/7, nhiều người vẫn thản nhiên đi dạo bộ. Có những trường hợp thấy lực lượng chức năng kiểm tra lại… bỏ chạy. Cần phải lên án và xử phạt thật nặng những trường hợp như vậy, vì suy cho cùng, cũng là vì chính họ. Tính đến nay, sau 9 ngày giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã xử phạt khoảng trên 7 tỷ đồng trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Chẳng ai dám nói trước rằng vài tháng nữa, một năm nữa hay 2 năm nữa dịch bệnh sẽ kết thúc. Khi những ca tử vong vì dịch bệnh xuất hiện, người ta thấm hơn về ý nghĩa của cuộc sống và hiểu rõ hơn câu nói “được sống là điều hạnh phúc”.

Tôi nhớ lại thời điểm trước khi có dịch, trong lần gặp gỡ một cô bé chỉ mới 15 tuổi, quê tại Yên Bái đã chạy thận hơn 5 năm tại bệnh viện Việt Đức. Một mình em giữa mảnh đất Hà thành với 1 tháng tiền ăn chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng do bố mẹ vất vả chu cấp. Với những vết tiêm hằn trên cánh tay do quá trình trị bệnh lâu ngày và đôi mắt sáng, em bảo: “Em cứ chạy thận thôi, chạy chưa biết đến bao giờ. Em muốn được sống chị ạ…”.

Tôi nhớ mãi câu nói ấy. Bởi chúng ta hiểu, ngay cả khi biết trước cơ hội để sống thì quyết tâm sống trong em vẫn vô cùng mãnh liệt. Câu nói “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương” có lẽ cũng là vì thế. Vậy Covid-19 nào có xá chi khi chúng ta biết rằng trên thế giới hàng ngày có hàng trăm nghìn người đã được chữa khỏi bệnh và được trở về nhà. Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức.

Vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Xin được trích lời của Tổng Bí thư như một lời gửi gắm, chúc sức khỏe tới mọi người: “Cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang