Bình ổn giá phân bón: Ưu tiên dành cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu

author 19:09 11/08/2021

(VietQ.vn) - Từ đầu năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng trung bình 50 - 73%. Liên Bộ NN&PTNT và Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước; đồng thời có các hình thức hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Trong bối cảnh thị trường phân bón có nhiều biến động, sáng 11/8/2021, hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong trước.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đồng chủ trì.

 Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại Trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường

Giá phân bón trong nước tăng theo giá thế giới

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn.

6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, tăng 11,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, lượng phân bón nhập khẩu đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Thông tin về giá phân bón tăng trong thời qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau thời gian tăng giá kỷ lục vào cuối năm 2018, giá phân bón đã liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7/2020. Từ đó đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây.

Nêu nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh cho rằng, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón. Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh. Kết hợp với chính sách tiền tệ và tài khóa "siêu lỏng" trên toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi... đều chứng kiến mức tăng giá rất mạnh.

"Nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics. Nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao”, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Thống kê mới nhất từ Bộ NNPTNT cho thấy, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, công suất sản xuất của chúng ta gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ. Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, chúng ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.

“Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư”- Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.

Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thế Chuyên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) một lần nữa khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón tham dự họp ở các điểm cầu 

Dừng xuất khẩu, quyết liệt thực hiện các giải pháp bình ổn giá phân bón

Chỉ ra nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng, cùng với đó là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19”, ông Bùi Thế Chuyên nêu vấn đề và đề xuất, trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…

Hơn nữa, theo đại diện Sở Công Thương An Giang, tình hình giãn cách đã ảnh hưởng đến khâu phân phối lưu thông sản phẩm phân bón trên địa bàn, nhất là trong thời kỳ đầu, khi phân bón không được xem là mặt hàng thiết yếu, nên giá thành lưu kho bãi, vận chuyển tăng, kéo theo giá phân bón tăng cao. 

Trước tình hình giá phân bón tăng, các doanh nghiệp đã tập trung cho thị trường trong nước, dừng xuất khẩu. Ông Bùi Thế Chuyên cho hay, ngay khi Quý I/2021 có biến động tăng giá, Vinachem làm việc với doanh nghiệp trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế, thậm chí là dừng xuất khẩu phục vụ tối đa cho trong nước.

Trong khi đó, ông Văn Tiến Thanh- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do tác động của thị trường thế giới đến doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ nguồn cung phân bón phục vụ cho việc sản xuất trong nước. “Các doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tuyệt đối không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhận thức được tác động của việc tăng giá phân bón, ngay Quý I/2021, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị, giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Để bình ổn thị trường phân bón, liên Bộ đã thống nhất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều hình thức như giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu phân bón cho thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp. “Ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về các giải pháp dài hạn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.

Về khâu lưu thông, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động các giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông-Xuân sắp tới.

 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón.
 

Riêng đối với lực lượng Quản lý thị trường, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để bình ổn thị trường phân bón; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Đồng thời, có các giải pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận ý kiến đề xuất của các nhà sản xuất phân bón DAP và MAP cũng như các đơn vị kinh doanh nhập khẩu và sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO- Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang