Bình Phước: Đảm bảo an toàn thông tin hướng tới mục tiêu chuyển đổi số tổng thể
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn đèn chiếu sáng phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò
Đắk Lắk tiếp tục xử phạt 2 sở sản xuất giá đỗ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng các sự kiện lớn của đất nước
Đầu tư vào hạ tầng an toàn thông tin
Nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thông tin, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 23/5/2024 về triển khai công tác CĐS và đảm bảo an toàn thông tin. Kế hoạch đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, tập trung khai thác hiệu quả dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh và từ Trung ương, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cũng như nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng phấn đấu nâng cao chỉ số CĐS, hướng đến nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Bình Phước đã xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, bao gồm mạng số liệu chuyên dùng kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp liên thông 4 cấp được triển khai tại 188 đơn vị hành chính, cùng 46 đơn vị ngoài công lập.
Cán bộ, công chức được trang bị kỹ năng an toàn thông tin để ứng phó, phát hiện sớm các nguy mất an toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh được thiết lập để tổng hợp, phân tích và quản lý các nguồn dữ liệu quan trọng. Với hệ thống thiết bị hiện đại, IOC được bảo vệ bằng hệ thống giám sát và cảnh báo tấn công SOC theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là trung tâm “đầu não” của dữ liệu tỉnh, giúp nâng cao khả năng quản lý và bảo vệ an toàn thông tin.
Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, Bình Phước đã thành lập đội ứng cứu sự cố, ban hành quy chế hoạt động và tổ chức diễn tập thực chiến thường xuyên. Tỉnh cũng đã phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho toàn bộ 201 hệ thống thông tin, đạt tỷ lệ 100%. Trong năm qua, hệ thống SOC đã giám sát 3.492 máy, xử lý 67.594 mối nguy hại, bao gồm 26.912 nguy cơ cao và 16.006 nguy cơ nghiêm trọng. Các kịch bản ứng phó được xây dựng từ sớm, đảm bảo phản ứng nhanh và hiệu quả trước các tình huống xâm nhập.
Tại huyện Đồng Phú, tất cả các thiết bị tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã và hệ thống chỉ đạo, điều hành đều được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Phú, chia sẻ: "Đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức".
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, Bình Phước còn chú trọng triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt 24/24. Ông Nguyễn Duy Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành thông tin VNPT Bình Phước cho biết: "SOC tập trung toàn bộ dữ liệu và phần mềm của tỉnh. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao để ngăn chặn mọi nguy cơ phát sinh".
Tỉnh cũng đẩy mạnh các chương trình diễn tập an toàn thông tin mạng, giúp cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin nâng cao kỹ năng phân tích, phát hiện và xử lý sự cố. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Bình Phước đang tập trung xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: "Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố then chốt để CĐS thành công, đồng thời là nền tảng không thể tách rời của quá trình này".
Với những nỗ lực và giải pháp đồng bộ, Bình Phước đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, góp phần xây dựng một môi trường số an toàn, hiệu quả và bền vững.
Duy Trinh