Cấy tế bào gốc trái phép, nguy hiểm sức khỏe người tiêu dùng?

author 14:43 20/03/2020

(VietQ.vn) - Bất chấp nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe khách hàng, không ít cơ sở thẩm mỹ vẫn thực hiện các dịch vụ cấy tế bào gốc dù dịch vụ này không được Bộ Y tế cấp phép.

Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) liên tục nhận được phản ánh của người tiêu dùng về những dịch vụ có nguy cơ gây hại đến sức khỏe có xu hướng nở rộ trên mạng xã hội. Cụ thể, mạng xã hội đang quảng cáo dịch vụ phi kim tế bào gốc với những từ ngữ "có cánh” như:

“Phương pháp phi cấy tế bào gốc sẽ đưa tế bào gốc vào lớp trung bì của da, ngay lập tức chúng sẽ thực hiện nhiệm vụ “sửa chữa”, phân chia liên tục hình thành vô số tế bào non. Cứ như vậy, tế bào gốc ban đầu thay thế hoạt động của tế bào đã già yếu, tái tạo mô da mới, củng cố và sắp xếp lại kết cấu Collagen và Elastin, xóa mờ nếp nhăn, khắc phục các nhược điểm về sắc tố, làm chậm quá trình lão hóa da.

Với nguyên lý hoạt động này, bằng cách bổ sung trực tiếp tế bào gốc, mọi vấn đề xấu mà da đang gặp phải sẽ được giải quyết an toàn, làn da trẻ hóa lại nhiều lần so với tuổi thực, đẩy nhanh quá trình tái tạo, tăng sinh collagen, elastin nhanh chóng, duy trì nước và độ ẩm cần thiết cho da”.

Bùng nổ quảng cáo cấy tế bào gốc trên mạng xã hội. 

Trong vai khách hàng muốn được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ phi cấy tế bào gốc, PV liên hệ với một tài khoản trên mạng xã hội Facbook và được người này “hồ hởi” giới thiệu có 3 loại tế bào gốc với 3 đơn giá khác nhau. Theo đó, phi cấy tế bào gốc có giá 12 triệu đồng. Phi cấy siêu trẻ hóa da có giá 9 triệu đồng và phi cấy siêu trẻ hóa da với giá 6 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, tháng 03/2015, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược không cấp số tiếp nhận phiếu công bố cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.

Trên thực tế trong giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật do Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cấp cho các phòng khám cũng không hề có dịch vụ nào mang tên: Tiêm, cấy làm đẹp từ tế bào gốc. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Việc sử dụng tế bào gốc trong làm đẹp hiện chưa được Bộ Y tế cấp phép. Do đó các spa, phòng khám quảng cáo dịch vụ này đều là vi phạm”.

Còn ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Dịch vụ cấy tế bào gốc chưa nằm trong danh mục các dịch vụ được cấp phép, vì vậy, cơ sở làm đẹp nào sử dụng dịch vụ này đều là trái phép, thực hiện chui. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh do Sở Y tế cấp phép hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện các dịch vụ làm đẹp bằng phương pháp xâm lấn. Sở đã có công văn chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện yêu cầu chấn chỉnh, rà soát về phạm vi hoạt động của các cơ sở làm đẹp”.

Cần nhấn mạnh, hiện tại trên thế giới và cả Việt Nam việc sử dụng tế bào gốc mới chỉ được áp dụng trong điều trị bệnh lý như chấn thương gân, viêm dây chằng mãn tính, chấn thương cột sống hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, còn sử dụng trong làm đẹp thì không tài liệu nào nhắc đến.

Có một thực tế, rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc khiến lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao. Cũng chính vì vậy mà Bộ Y tế cấm sử dụng hệ cơ quan của con người (động vật) để sản xuất mỹ phẩm, ứng dụng làm đẹp (hiện ứng dụng tế bào gốc chỉ được thực hiện trong điều trị bệnh). Đồng thời, đối với những mỹ phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc không được cấp phép lưu hành. Cho nên những gì gắn mác “tế bào gốc” hiện có trên thị trường là 100% lừa đảo và những người kinh doanh sản phẩm ấy là vi phạm pháp luật…

Theo quy định tại điểm B, Khoản 6, Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi hành nghề vượt quá giấy phép hoạt động bị xử phạt 50-70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng.

Điều 28, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định hành vi hành nghề vượt quá chứng chỉ hành nghề hoặc không có chứng chỉ hành nghề bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ từ 3-6 tháng.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang