Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đầu năm 2022 phức tạp, tinh vi
Hàng không tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022
Ngành Hải quan quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả năm 2022
Ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu: Chuyên gia kiến nghị 7 giải pháp
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dẫn thông tin từ Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong tháng đầu năm 2022 Công an các đơn vị, địa phương luôn chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn trọng điểm.
Tiếp đó ngày 10/01/2022, Văn phòng Bộ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/BCA ban hành văn bản số 147/V01-P5 đề nghị Công an các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng những tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Được biết, trong tháng 1/2022 hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp tại một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, một phần do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Đáng chú ý, theo lực lượng chức năng, nổi lên hoạt động buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; buôn bán thuốc lá ngoại nhập; vận chuyển trái phép pháo nổ; mua bán, vũ khí thô sơ, công cũ hỗ trợ mạng internet; vận chuyển động vật không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, mua bán động vật mắc bệnh…
Trong đó, vụ việc điển hình, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an TP. Hà Nội triệt phá dây mua bán vũ khí thô sơ, công vụ hỗ trợ qua mạng Internet, phát hiện gần 3.000 công cụ hỗ trợ, trong đó có 465 thanh kiếm, 680 bình xịt hơi cay, 211 dùi cui điện, 650 cao các loại, gần 200 gậy ba khúc…
Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, Văn phòng Bộ Công an tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gắn với chương trình công tác năm của từng hệ lực lượng, địa phương.
Trong diễn biến liên quan tới tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đừng đầu với kết quả công tác.
Chỉ đạo đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tập trung hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Về các quy định liên quan đến xuất xứ, nơi sản xuất hàng hóa, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các các quy định về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng: Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp tình hình mới hiện nay; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tăng cường giám sát bằng camera, nhất là tại các đường mòn, lối mở biên giới, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, triệt phá tận gốc, xác định không có vùng cấm trong công tác này.
Chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa… phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và chính sách ưu đãi của các nước dành cho Việt Nam.
Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.
Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…
Văn phòng Thường trực chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng chủ động theo dõi, đôn đốc các lực lượng chức năng trong việc thực hiện các kế hoạch chuyên đề trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành và việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tăng cường công tác thu thập thông tin, phát hiện, đề xuất xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, bất hợp lý, có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.
An Dương