Hoàn thiện chính sách quản lý, ngăn chặn gian lận trong hoạt động kinh doanh đa cấp

author 17:02 27/08/2021

(VietQ.vn) - Hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp tại thị trường Việt Nam liên tục bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì những hành vi lừa đảo khiến cho người dân vô cùng phẫn nộ.

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại được nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới áp dụng nhằm phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Phương thức kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí quảng bá sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng. Thay vào đó là quảng bá về sản phẩm thông qua hệ thống người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, qua đó tạo thu nhập cho người tham gia trong hệ thống.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp (bán hàng đa cấp), biến tướng nó để thự hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, gây xáo trộn, mất trật tự an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội.

Kể từ khi kinh doanh theo phương thức đa cấp du nhập vào Việt Nam cho tới nay, nhiều vụ việc lừa đảo bị lực lượng công an khởi tố điều tra liên quan tới các dạng thức biến tướng của loại hình kinh doanh này gây mất niềm tin đối với phương thức kinh doanh này và gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, mong muốn làm giàu nhanh chóng vẫn tiếp tục bị các đối tượng dụ dỗ tham gia các mô hình kinh doanh đa cấp trái phép, biến tướng.

 Lực lượng công an đã khởi tố điều tra nhiều vụ việc liên quan đến hình thức biến tướng của bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn phiến phức tạp và có ảnh hưởng trực tiếp đời sống kinh tế xã hội, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Chính vì nguyên nhân đó mà các hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp, các hình thức đa cấp biến tướng lại càng có cơ hội “nở hoa” trên môi trường không gian mạng, gây nhiều bức xúc trong dự luận.

PGS,TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, thời gian qua, các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng tới tài sản của nhiều người dân, mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép kinh doanh hay những hành vi kinh doanh bị cấm theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.

Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có những quy định chặt chẽ để xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, bao gồm cả quy định về quản lý hành chính cũng như quy định về xử lý hình sự. Tuy nhiên, các quy định vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trước những biến tướng phức tạp, nhanh chóng của hoạt động kinh doanh đa cáp bất chính.

Trước đó, ngày 12/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo ra cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh có nhiều biểu hiện phức tạp này. Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, phân cấp sâu hơn trong quản lý nhà nước tại địa phương, huy động sự tham gia của nhiều bộ, ngành, lực lượng tham gia công tác quản lý.

Theo Bộ Công Thương, qua hơn 3 năm triển khai, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã giúp Chính phủ quản lý tốt hơn đối với hoạt động bán hàng đa cấp, các doanh nghiệp chân chính cũng được hưởng lợi nhờ việc thanh lọc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém.

Cùng với đó, qua thực tiễn công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhận thấy các quy định pháp luật vẫn cần phải được sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa với mục tiêu tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong hoạt động bán hàng đa cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất và dễ hiểu, dễ áp dụng của từng quy định pháp luật.

Vì vậy, trên cơ sở khảo sát ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đến nay, Dự thảo đã được Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng như kiểm soát chặt đối với hoạt động bảo trợ quốc tế. Các hoạt động bán hàng đa cấp trong nước, một số người tham gia bán hàng được bảo trợ bởi người tham gia bán hàng đa cấp ở một nước khác. Với vai trò là tuyến trên, bảo trợ và đào tạo, hỗ trợ những người tham gia tuyến dưới ở Việt Nam, người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài sẽ được hưởng các loại hoa hồng, tiền thưởng phát sinh trên cơ sở doanh thu của hệ thống tuyến dưới. Thông thường, khoản hoa hồng này là khá lớn vì những người được người nước ngoài bảo trợ là những người đầu tiên phát triển hệ thống bán hàng đa cấp ở Việt Nam, có mạng lưới người tham gia tuyến dưới đông đảo, doanh thu lớn và mang lại hoa hồng lớn. Đây là lý do khiến những người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài luôn mong muốn vào Việt Nam để làm tiền thị trường, xây dựng hệ thống ban đầu khi doanh nghiệp chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, khi những đơn vị này tiến vào thị trường trong nước, thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động, những người nước ngoài này đã có sẵn hệ thống ở Việt Nam. Chỉ cần hợp thức hóa là nghiễm nhiên có một hệ thống mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam mặc dù hệ thống này hình thành một cách bất hợp pháp. Tức là đã trải qua thời gian hoạt động bất hợp pháp khi doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương dự kiến sẽ bổ sung quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam được bảo trợ quốc tế bởi người tham gia ở nước khác. Quy định này sẽ có tác động trực tiếp vào những người có ý định làm tiền thị trường, hoạt động không phép ở Việt Nam. Nguyên nhân là bởi sau khi doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức, với việc không được thực hiện bảo trợ quốc tế, những người tiên phong xây dựng hệ thống sẽ không được trở thành tuyến trên và hưởng thành quả từ hoạt động của hệ thống người tham gia ở Việt Nam.

Nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 03 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới. 

Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cơ sở đánh giá uy tín của doanh nghiệp, một mặt cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý tốt vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.

Với quy định này, các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có uy tín, hay các doanh nghiệp đã có nhiều tai tiếng ở các nước khác trên thế giới, sẽ khó khăn hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam một cách chính thống. Bộ Công Thương mong muốn sẽ hạn chế được tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp không phép, nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân. 

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang