Người sử dụng suýt mù vĩnh viễn vì bỏ quên 23 chiếc kính áp tròng trong mắt

author 05:49 16/10/2022

(VietQ.vn) - Một người phụ nữ tại Mỹ đã suýt bị mù vĩnh viễn vì quên không tháo 23 chiếc kính áp tròng trong mắt từ lâu.

Kính áp tròng được thiết kế với hình vòng cung có khả năng áp chặt vào lớp giác mạc. Không giống với những loại kính mắt khác, loại kính này tiếp xúc trực tiếp với mắt, một trong những bộ phận nhạy cảm của cơ thể. Do đó, vật liệu cấu tạo của kính áp tròng đặc biệt phải trải qua chu trình kiểm duyệt gắt gao của Bộ Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe của người dùng.

So với kính đeo mắt thông thường, kính áp tròng có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Bạn không lo làm trầy kính mắt, không lo vô tình giẫm phải kính hay đánh mất nó nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp bỏ quên không tháo ra đã gây ra nhiều tác hại.

Cụ thể, mới đây một người bệnh ngoài 70 tuổi tại Mỹ, có thói quen đeo kính áp tròng hàng ngày. Bà đến viện sau khi cảm thấy có "thứ gì đó trong mắt không thể lấy ra". Dù được yêu cầu đến kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần, người phụ nữ đã bỏ qua các cuộc hẹn khám trong suốt hai năm. Tầm nhìn của bệnh nhân mờ đi và cơn đau mắt khá dai dẳng.

 Những chiếc kính áp tròng bỏ quên được gắp ra. Ảnh: Insider

Ban đầu, bác sĩ nhãn khoa Katerina Kurteeva, ở Newport Beach, California, cho rằng trong mắt bệnh nhân có một mảnh kính áp tròng bị rách, một vết xước giác mạc, nhiễm trùng mắt, một cọng lông mi rụng hoặc bụi phấn từ lớp trang điểm. Tuy nhiên, sau đó, bác sĩ Kurteeva đã kinh ngạc khi gắp được một mảng kính áp tròng màu tím sẫm dày, gồm nhiều chiếc kính nhỏ dính vào nhau trong mắt bệnh nhân. Sau khi tách riêng chúng bằng bông tăm, cô đếm được tổng cộng 23 chiếc kính. Một vài chiếc màu vàng, số khác màu xanh lam nhạt.

"Có quá nhiều kính, tôi nghĩ khoảnh khắc này cần được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Trong gần 20 năm làm nghề, tôi chưa từng thấy điều gì giống vậy", bác si Katerina Kurteeva nói.

Để loại bỏ kính áp tròng mà không gây tổn thương đến giác mạc, bác sĩ đã sử dụng thuốc tê và thuốc nhỏ mắt để xác định dị vật. Sau đó, cô dùng dụng cụ nhỏ, gọi là mỏ vịt mí mắt để giữ cho cả mi trên, dưới mở to trong thời gian dài. Sau khi loại bỏ dị vật, bác sĩ cẩn thận rửa mắt bệnh nhân bằng nước vô trùng, loại bỏ một số vết bẩn trong niêm mạc và kê đơn thuốc kháng viêm.

Bệnh nhân cũng không thể tin vào lượng kính áp tròng được gắp ra khỏi mắt. Bà thậm chí phải hỏi lại bác sĩ liệu con số có chính xác không. Bác sĩ Kurteeva cho biết bệnh nhân đã "rất may mắn". Bà có thể bị mù vĩnh viễn, trầy xước giác mạc hoặc nhiễm trùng nếu không xử lý kịp thời.

"Tôi đã xin bà ấy đừng đeo kính áp tròng nữa và để cho mắt nghỉ ngơi, nhưng bà ấy đã đeo trở lại ngay", bác sĩ Kurteeva nói, ngày 30/9.

Trường hợp tương tự trước đó, một người phụ nữ 42 tuổi ở Dundee, Anh đã đến phòng khám mắt vì cảm thấy mắt bị sưng. Ban đầu, các bác sĩ tưởng đây chỉ là ca đau mắt bình thường, cho đến khi phát hiện kính áp tròng ở trong mắt người phụ nữ này. Chiếc kính được tìm thấy trong một khối u nang hình thành trong mắt người phụ nữ sau 28 năm bị bỏ quên.

Người phụ nữ cho hay đã bị vợt cầu lông đập vào mắt khi cô 14 tuổi và tưởng rằng chiếc kính áp tròng đã văng ra. Các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Ninewells tiến hành chụp cộng hưởng từ và phát hiện bệnh nhân có biểu hiện sưng mí mắt trên. Hình ảnh cho thấy một u nang hình trứng dài khoảng 8mm nhưng không nhìn rõ nhân tế bào bên trong khối u này. Khi các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ cục u, u nang vỡ ra và để lộ chiếc kính áp tròng.

Theo các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân đeo kính áp tròng RPG. Loại kính áp tròng này cứng hơn loại kính áp tròng mềm, tuy giúp mắt có thể hô hấp tốt hơn, nhưng lại rất dễ tuột ra ngoài nếu gặp va chạm. Tuy nhiên, trong trường hợp của người phụ nữ này, chiếc kính đã không bị rơi ra ngoài.

Cũng theo các bác sĩ, ngoài việc hay bỏ quên không tháo ra khi sử dụng kính áp tròng còn gây ra nhiều tác hại khác. Tác hại đầu tiên phải kể tới chính là nhiễm trùng mắt. Hầu hết các ca nhiễm trùng mắt đều có mối liên hệ với kính áp tròng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp vi trùng mới là tác nhân gây nhiễm trùng ở khu vực nhãn cầu. Tình trạng nhiễm trùng có khả năng khiến giác mạc sưng tấy. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có nguy cơ khiến thị lực suy giảm mạnh.

Oxy ở mắt đa phần đến từ không khí trực tiếp đi qua lớp giác mạc. Vì vậy, việc kính áp tròng nằm trên giác mạc có thể ngăn cản mắt tiếp nhận lượng oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng mắt thiếu oxy. Lúc này, giác mạc có nguy cơ sưng phồng lên và gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn, ví dụ như tầm nhìn bị nhòe. Mắt thiếu oxy là một trong những tác hại phổ biến của kính áp tròng ở những người có thói quen sử dụng kính trong thời gian dài hoặc đi ngủ mà quên tháo kính.

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) cũng là một trong những tác hại khi đeo kính áp tròng. Các chuyên gia nhãn khoa chia hiện tượng đau mắt đỏ thành nhiều cấp độ khác nhau. Nếu đeo kính áp tròng trong thời gian bệnh, bạn có nguy cơ mắc viêm kết mạc nhú gai khổng lồ. Đây là một phản ứng dị ứng, vì hệ miễn dịch nhận định kính áp tròng như vật thể lạ không được phép xuất hiện trong cơ thể.

Nếu triệu chứng đau mắt đỏ nhẹ, nó có thể tự lành mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu viêm kết mạc trở nặng, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc chống viêm để cải thiện triệu chứng. Lúc này, bạn cần ngưng sử dụng kính áp tròng cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Đồng thời, bạn cũng nên thay thế kính áp tròng mới sau khi lành bệnh để tránh tình trạng tái phát.

Một tác hại của kính áp tròng khác nếu đeo quá lâu chính là khô mắt. Nước mắt có nhiệm vụ giữ ẩm cho nhãn cầu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và quét sạch bụi bẩn lọt vào hốc mắt. Nếu nước mắt không tiết ra đủ hoặc hoạt động không tốt, mắt sẽ cảm thấy khô và khó chịu.

Đeo kính áp tròng có thể khiến giác mạc bị tổn thương, chẳng hạn như bạn có thể vô tình để móng tay làm trầy nó khi tháo kính áp tròng ra. Mặt khác, bụi bẩn bám trên kính chưa được vệ sinh kỹ cũng có khả năng khiến giác mạc bị trầy xước.

Đôi khi, tác hại của kính áp tròng cũng có thể là phản ứng dị ứng do dung dịch vệ sinh kính hoặc vật liệu cấu tạo của chúng gây nên. Tuy nhiên, thực tế trường hợp này khá hiếm do vật liệu của kính áp tròng đã được kiểm duyệt gắt gao trước khi đưa vào quy trình sản xuất.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang